Neuralink và tham vọng “cộng sinh với trí tuệ nhân tạo” của Elon Musk
Nó sẽ đem lại cho chúng ta những quyền năng tối thượng để phá vỡ ranh giới tiến hóa giữa người và máy móc.
Trong một tweet ngày 9 tháng 7, Elon Musk đã viết: “If you can’t beat em, join em“, và tuyên bố đây chính là sứ mệnh của Neuralink, công ty thiết kế công nghệ giao diện não-máy tính được vị tỷ phú thành lập vào năm 2017.
Những gì mà Neuralink đang làm phục vụ cho nỗi bứt rứt trong lòng Elon Musk, một người luôn bị ám ảnh rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo và robot sẽ sớm vượt mặt con người.
Nếu không muốn bị tụt lại phía sau, con người phải tìm cách tự nâng cấp bản thân mình trước khi tương lai ấy kịp xảy ra. Và “nếu bạn không thể đánh bại chúng, hãy tích hợp với chúng – Đó là sứ mệnh của Neuralink“, Elon Musk viết.
Ông cho biết thêm công ty sẽ có một tuyên bố cập nhật tiến trình vào ngày 28 tháng 8 tới đây. Nhiều hãng thông tấn nhận định đó có thể là kế hoạch thử nghiệm trên người công nghệ của Neuralink:
Một con chip được “khâu” trực tiếp vào bên trong não bộ có thể giúp bạn làm rất nhiều việc: từ stream nhạc trực tiếp từ internet vào não, tăng cường thính giác cho người đeo, chữa trị trầm cảm cho đến các bệnh thần kinh như Parkinson…
Dưới đây là tất cả những gì chúng ta biết được về dự án này cho tới thời điểm hiện tại: Lý thuyết mà Neuralink sử dụng, mức độ hoài nghi về độ khả thi và còn những công ty nào khác cũng đang thiết kế giao diện não-máy tính?
Con người cần cộng sinh được với máy tính và trí tuệ nhân tạo
Neuralink được Elon Musk thành lập vào năm 2016 và ra mắt chính thức vào năm 2017. Với vai trò là một công ty công nghệ thần kinh, Neuralink hướng đến việc phát triển các “giao diện não-máy tính băng thông cực cao để kết nối con người với máy tính“. Sản phẩm cụ thể mà họ đang phát triển là một con chip cấy ghép được trực tiếp vào não bộ.
Mục tiêu hiện tại mà Neuralink tuyên bố những con chip của mình có thể làm là điều trị các chứng rối loạn não, chẳng hạn như bệnh Parkinson, động kinh và trầm cảm. Một giao diện não-máy tính như vậy cũng có thể được sử dụng để điều khiển các thiết bị ngoại vi, chẳng hạn như chân tay giả hoặc các bộ phận giả khác trực tiếp thông qua suy nghĩ.
Tháng trước, Neuralink cho biết công nghệ mà họ đang phát triển có thể được sử dụng để stream nhạc trực tiếp từ internet vào não bộ, đồng thời, nó còn có khả năng mở rộng tầm hoạt động của thính giác con người.
Tầm nhìn tối thượng của Elon Musk với Neuralink đã lộ ra ở đây. Nếu một giao diện não-máy tính có thể được phát triển đạt tới độ nào đó, nó có thể thực sự khiến con người và máy móc hòa nhập. Nói cách khác, chúng ta có thể tích hợp máy tính để tự nâng cấp bản thân mình.
Mỗi con chip cấy vào não bộ sẽ cho phép con người trong tương lai có thể điều khiển mọi thiết bị ngoại vi bằng tâm trí, truyền suy nghĩ trực tiếp từ bộ não này đến bộ não khác thậm chí tăng cường năng lực nhận thức bao gồm cả trí thông minh và trí nhớ.
Xét về mặt khái niệm, Elon Musk đã định vị Neuralink là một dự án tiềm năng giúp nhân loại ngăn chặn mối đe dọa tận thế gây ra bởi AI. Ông nói rằng công nghệ này có thể giúp chúng ta “đạt được một kiểu cộng sinh với trí tuệ nhân tạo”.
Vị tỷ phú cho biết chỉ bằng cách thúc đẩy và nâng cấp bộ não nhỏ bé của mình, chúng ta mới có thể đối mặt với các công nghệ tiên tiến do chính mình tạo ra. “If you can’t beat em, join em“, tích hợp máy tính vào con người là một cách để làm điều đó.
Tất nhiên, về mặt ý tưởng thì nó không có gì mới. Từ hàng thập kỷ trước, khoa học viễn tưởng đã vẽ ra được những kịch bản trong đó con người và máy móc phải hợp nhất với nhau. Chúng ta có các tiểu thuyết của Iain Bank, William Gibson và hàng ngàn bộ phim giả tưởng như Alien, Ma trận nói về những công nghệ tương tự.
Nhưng hiện thực hóa các ý tưởng này thì không phải chuyện dễ, ngay cả với Elon Musk.
Tesla có thể làm ô tô điện, Space X có thể làm tên lửa, nhưng đó đều chỉ là những công nghệ không liên quan trực tiếp đến con người. Neuralink thì khác, một giao diện não-máy tính được coi là thiết bị y tế, nó được cấy ghép vào não bộ con người.
Có nghĩa là công ty sẽ phải trải qua những quá trình thử nghiệm lâm sàng hết sức chặt chẽ, giống mọi thiết bị y tế để cuối cùng đi đến được một chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Giống như mọi công ty phát triển thuốc và thiết bị y tế khác dù là nhà nước hay tư nhân, Neuralink cũng sẽ phải chứng minh tính an toàn và hiệu quả cho mỗi sản phẩm của mình. Các bước chứng minh sẽ bao gồm thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, từ chuột đến linh trưởng lớn như khỉ, rồi 4 bước thử nghiệm lâm sàng trên người tương đương với 4 giai đoạn tỉ mỉ và rất tốn thời gian.
Sản phẩm của Neuralink thậm chí còn vượt ra ngoài các tiêu chuẩn hiện có. Nó là một con chip cấy vào não người – não của một người khỏe mạnh chứ không phải một người bệnh. Điều này sẽ tạo ra các thách thức độc đáo, liên quan đến khung thời gian thử nghiệm. Bạn cần đảm bảo con chip sẽ ở trong não của mình an toàn trong cả đời người, kéo dài hàng thập kỷ.
Neuralink cũng sẽ bị cản trở bởi những điều luật, bởi nếu gắn với mục đích nâng cấp con người, con chip của họ sẽ không phải một thủ tục cấy ghép cần thiết về mặt y tế. Trong khi các tác dụng phụ và biến chứng phẫu thuật được đặt sang một bên cán cân, sự thật là nếu cứ làm theo luật hiện tại thì cấy ghép của Neuralink sẽ không được phép tiến hành.
Chúng ta sẽ nắm trong tay công cụ tiến hóa
Bất chấp những thách thức này, các nhà khoa học đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm qua khi họ cố gắng biến khoa học viễn tưởng thành hiện thực. Elon Musk và Neuralink có thể thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhất, nhưng còn cả các nhà nghiên cứu khác cũng đang âm thầm đạt được những tiến bộ ngoạn mục trong lĩnh vực.
Hãy cùng điểm qua một số dấu mốc để có được cái nhìn sơ lược về những gì có thể thực sự xảy ra trong tương lai:
Năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ đã dịch được sóng não con người thành giọng nói. Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác tại Đại học California San Francisco đã tìm ra được con đường ngôn ngữ đi từ não bộ tới các cơ hàm, môi và lưỡi. .
Vào năm 2016, một ca cấy ghép não đã cho phép một người cụt tay sử dụng suy nghĩ của mình để di chuyển các ngón tay của bàn tay giả. Giao diện não-máy tính cũng đã được sử dụng để tạo ra các bộ khung xương robot hỗ trợ người mặc làm các việc nặng nhọc hoặc khắc phục chấn thương cột sống.
Các thử nghiệm ý tưởng trên động vật cũng đạt đến thành công rất hứa hẹn. Chẳng hạn một giao diện não-máy tính không dây đã cho phép những con khỉ điều khiển được xe lăn chỉ bằng suy nghĩ. Một cấy ghép vào não bộ thậm chí có thể giúp những con khỉ chép chính tả một đoạn báo trên New York Times và Hamlet với tốc độ 12 từ mỗi phút.
Một số nghiên cứu thú vị cũng đã được thực hiện làm bước đệm cho công nghệ giao tiếp trực tiếp giữa não người với não người, mặc dù chúng vẫn còn khá sơ khởi.
Giữa bối cảnh này, những gì mà Elon Musk đang làm với Neuralink thực ra không có gì là đột phá. Sự khác biệt chính mà chúng ta cần quan tâm là quy mô, kinh phí và mục đích của sứ mệnh Neuralink bên cạnh bản chất lôi cuốn của chính Elon Musk.
Điều đó cũng có nghĩa là Neuralink cũng có một số dự án đối thủ theo đuổi phát triển các giao diện não-máy tính tương tự bao gồm: Facebook (gần đây đã mua lại công ty khởi nghiệp giao diện thần kinh Ctrl-labs trong một thỏa thuận có giá từ 500 triệu đến 1 tỷ USD); Kernel (một dự án 100 triệu USD do Bryan Johnson, người sáng lập Braintree lập ra) và DARPA (dự án quốc phòng của chính phủ Hoa Kỳ cũng đã đầu tư tới 65 triệu USD cho nỗ lực của mình).
Elon Musk không phải là người duy nhất đổ một lượng tiền lớn vào ý tưởng giao diện não-thần kinh. Và chúng ta cũng phải xem liệu Neuralink có thành công trong một thị trường mới nhưng ngày càng cạnh tranh được hay không?
Con chip sẽ được “khâu” vào não bộ
Tại thời điểm hiện tại, chúng ta biết rằng giao diện não-máy tính của Neuralink sẽ sử dụng công nghệ “ren thần kinh“. Những ren này thực chất là những sợi dây dẫn siêu nhỏ được bó lại ở một đầu gắn vào máy tính, đầu kia tỏa ra thành cách điện cực gắn trực tiếp lên vỏ não.
Theo báo cáo của New York Times, Neuralink đã nhận được 158 triệu USD tài trợ cho dự án trong năm 2019, 100 triệu USD trong đó đến từ chính Elon Musk. Công ty hiện có 90 nhân viên chưa kể hợp tác với các bác sĩ phẫu thuật thần kinh từ Đại học Stanford và có thể gồm nhiều nơi khác.
Trong hướng đi của mình hướng tới sứ mệnh cuối cùng, Neuralink sẽ tiếp cận vấn đề từng bước một. Họ bắt đầu với một thiết bị điều trị được các rối loạn não. Mặt khác, thiết bị này sau đó có thể nâng cấp để mở rộng sang các ứng dụng tăng cường não bộ con người.
Để có thể làm được mục tiêu thứ hai, việc tăng cường băng thông cho thông tin phát ra từ não là không thể thiếu. Bạn có thể sử dụng các công nghệ không xâm lấn đeo bên ngoài não để điều trị rối loạn não, nhưng một khi hướng tới mục tiêu nâng cấp não bộ, phẫu thuật cấy ghép với các thành phần điện tử tương thích sinh học, bền và linh hoạt là không thể tránh khỏi.
Tháng trước, Elon Musk đã tiết lộ thêm một số chi tiết về giao diện não-máy tính của Neuralink trong bài thuyết trình phát trực tiếp tại Học viện Khoa học California. Trong một bản sách trắng công bố bởi Neuralink, con chip cũng đã lộ diện như một bản prototype.
Nó gồm một mảng với hơn 3.000 điện cực phân bố trên 96 luồng. Mảng điện cực sẽ được đặt bên ngoài não, với một cổng USB-C để tải dữ liệu.
Sau đó, nó được liên kết vào não bộ bằng các “mũi khâu thần kinh“. Các luồng tải dữ liệu thực chất là các dây dẫn siêu mỏng có đường kính khoảng 5-6nm, mỏng hơn sợi tóc người và có thể được “khâu” trực tiếp lên bề mặt não.
Neuralink phát triển những cách tay robot phẫu thuật thần kinh bằng laser độ chính xác cao để làm điều này. Các cách tay robot bề ngoài nhìn có vẻ to lớn và nặng nề, nhưng chúng có thể chèn tới 6 luồng với 192 điện cực vào bề mặt não mỗi phút với độ chính xác đạt tới cỡ phần nghìn milimet – điều mà không một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nào hiện có thể làm được.
Nhóm Neuralink đã chứng minh việc cấy ghép thành công trên chuột với con chip được gắn vào não của chúng đã có khả năng đọc thông tin từ 1.500 điện cực, Max Hodak, chủ tịch Neuralink cho biết trên tờ New York Times.
“Thật ấn tượng khi thấy họ đã tiến nhanh đến vậy và tôi rất muốn xem họ cuối cùng sẽ đi xa tới đâu“, Andrew Jackson, một giáo sư về giao diện thần kinh tại Đại học Newcastle cho biết.
“Đã có rất nhiều nỗ lực từ trước đến nay trong việc ‘đọc’ các tín hiệu điện phát ra từ một cụm tế bào thần kinh lớn. Phương pháp tiếp cận của Neuralink là đưa nhiều sợi polymer dẻo vào não bằng một loại máy khâu. Các sợi chỉ này được gắn vào một gói điện tử được cấy dưới da”.
Ngoài ra, giáo sư Jackson cũng mô tả các phương pháp tiếp cận đáng chú ý khác. Trong đó, các thiết bị điện tử có thể được kết hợp vào các kim silicon nhỏ như đầu dò Neuropixels được phát triển bởi Tim Harris từ Cơ sở Nghiên cứu Naelia, Viện Y tế Howard Hughes.
Dự án hợp tác trị giá 5,5 triệu USD này đã tạo ra được các đầu dò có khả năng ghi lại tín hiệu điện từ hơn 700 tế bào thần kinh cùng lúc. Bên cạnh đó, “bụi thần kinh” cũng là một ý tưởng khả thi, khi nhiều bộ phận cấy ghép nhỏ, không dây có thể được gắn và phân bổ trên khắp bề mặt não, giáo sư Jackson nói.
Elon Musk thì đã lựa chọn công nghệ “ren thần kinh” với những sợi chỉ được khâu vào não, “chỉ có thời gian mới cho biết liệu Elon có chọn nhầm ngựa hay không“, giáo sư Jackson nhận định.
Nhưng ông hoàn toàn hoan nghênh sự đầu tư của một ông chủ đến từ thung lũng Silicon vào lĩnh vực giao diện thần kinh. Tham vọng của vị tỷ phú có thể đẩy cả ngành khoa học này đi lên bởi sự thật là các thiết bị mà họ sử dụng trong đó vẫn còn quá lạc hậu.
Chúng ta chờ đợi gì từ Neuralink trong thông báo ngày 28/8 tới?
Sau tweet của Elon Musk về thông báo cập nhật về Neuralink cuối tháng này, một số hãng truyền thông như IANS dự đoán rằng có thể đó thể là kế hoạch về một thử nghiệm con chip thần kinh trên người vào năm nay.
Tristan Greene của The Next Web thì mong đợi đó sẽ là “một khoảnh khắc iPhone trong lĩnh vực phẫu thuật não bộ“. “Thứ sáu tuần này, Elon Musk và nhóm của ông tại Neuralink sẽ chứng minh những tiến bộ mà công ty đã đạt được trong 6 năm qua“, anh ấy viết.
Một kịch bản khiêm tốn hơn nhưng cũng không kém ấn tượng là Neuralink sẽ công bố các thử nghiệm ấn tượng của họ trên chuột và trên linh trưởng. Công ty của Elon Musk đã từng cố gắng mở một cơ sở thử nghiệm lâm sàng trên động vật cho riêng mình ở San Francisco, nhấn mạnh nhu cầu thử nghiệm tiền lâm sàng liên tục để đẩy nhanh tiến độ của họ.
Sách trắng của họ gần đây chỉ mô tả qua về những robot phẫu thuật, điều đó thật đáng tiếc, ông nói. Theo Warwick cốt yếu công nghệ của Neuralink ở thời điểm này chính là những cánh tay robot laser có thể giảm xâm lấn đến tối thiểu khi chèn các điện cực đi xuyên qua sọ.
“Nếu những robot đó có thể làm được những gì họ nói, thì chúng ta sẽ có thể có nhiều điện cực ở nhiều vị trí. Nhưng đối với tôi, đây là phần cần được chứng minh — liệu họ có thể đưa các đầu dò polymer như vậy vào não một cách đáng tin cậy, an toàn, chính xác và chứng minh được rằng robot sẽ hoạt động trên não người hay không?“, ông nói.
Ngoài ra, Neuralink hay bất cứ công ty công nghệ hay nhóm nghiên cứu giao diện não-máy tính nào cũng còn phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải trong công nghệ này.
Họ phải giải quyết bản chất xâm lấn của công nghệ, lập được bản đồ tín hiệu não, học cách đồng bộ giao tiếp giữa máy tính và con người, mở rộng quy mô các thử nghiệm trên động vật và con người, giải quyết các vấn đề an toàn, đạo đức và hiệu quả đi kèm với chúng.
Neuralink cũng sẽ phải đối phó với các vấn đề tiềm ẩn không lường trước được, chẳng hạn như nhiệt độ quá cao do thiết bị cấy ghép phát ra hoặc làm thế nào để lấy và thay thế các con chip đã cấy vào não bộ khi nó lỗi thời?
Đứng giữa trái tim của dự án này, điều quan trọng nhất mà Neuralink cần làm vẫn là phải chứng minh những gì họ làm có đáng và có hiệu quả hay không? Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về bộ não con người và cách thức hoạt động của nó, có thể hơi khó để cho rằng các chiến lược hiện tại này sẽ hoạt động như dự kiến.
Chính vì vậy, thông báo mới của Elon Musk và Neuralink vào ngày 28 tháng 8 này thực sự đáng để mong chờ. Bởi suy cho cùng, tất cả chúng ta đều thấy ý tưởng “cộng sinh với trí tuệ nhân tạo” thật sự rất hấp dẫn.
Một con chip gắn vào não có thể đem lại cho chúng ta rất nhiều quyền năng, nó có thể giúp giống loài chúng ta phá vỡ ranh giới tiến hóa giữa người và máy móc. Nhưng mọi thứ cần phải được thực hiện từng bước một. Hãy cùng chờ xem Neuralink đã đi được tới đâu trên sứ mệnh của mình.