Phát triển đô thị thông minh – Kinh nghiệm và lộ trình thực hiện
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Phát triển đô thị thông minh cho đến nay đã trở thành một xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Qua nhiều năm triển khai thí điểm, có rất nhiều những mô hình đô thị thông minh được triển khai trên thế giới như các mô hình đô thị thông minh bền vững, mô hình đô thị thông minh tự thân, mô hình đô thị thông minh gắn với giáo dục… Việt Nam với vị trí là một nước đang trong quá trình phát triển cũng không tránh khỏi xu thế phát triển mô hình đô thị thông minh. Tuy vậy, có thể chỉ rõ việc ứng dụng đô thị có thể mang lại lợi ích nhiều mặt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu phát triển thiếu đồng bộ. Nghiên cứu lựa chọn các mô hình đô thị thông minh áp dụng phù hợp với từng loại đô thị cụ thể song song với xây dựng và hoàn thiện một chiến lược lộ trình phát triển hợp lý là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để mô hình đô thị thông minh trở thành lợi thế phát triển các đô thị Việt Nam trong tương lai.
Đô thị thông minh là khái niệm có nhiều cấp độ phát triển khác nhau
Qua 20 năm hình thành và phát triển, khái niệm về đô thị thông minh đến này đã có nhiều biến thể cấp độ khác nhau theo nhu cầu và khả năng nguồn lực đầu tư, mục tiêu hướng đến ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương thực hiện. Theo Pgs. Ts. Nguyễn Minh Hoà, ý tưởng về đô thị thông minh đầu tiên bắt đầu từ khoảng 1990 bởi các chuyên gia công nghệ thông tin ở Valley Silicon (Mỹ) và Thành phố Bangalore – Valley silicon của Ấn Độ. Khái niệm đô thị thông minh chính thức được sử dụng từ năm 2005 và đang dần được hoàn thiện tùy theo tình hình ứng dụng triển khai thực tế tại các quốc gia trên thế giới.
Theo Ts.Kts Ngô Lê Minh, đánh giá chung hiện nay, khái niệm đô thị thông minh có thể được hiểu đầy đủ là Thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để được thông minh hơn và hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực, nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí và năng lượng, cải thiện cung cấp dịch vụ và chất lượng cuộc sống, giảm thiểu gây hại môi trường”. Ở một cấp độ cao hơn, mô hình “Đô thị bền vững thông minh” đề cập khái niệm hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên nhiều khía cạnh và qui mô khác nhau, thông qua việc cung cấp và tiếp cận với các nguồn tài nguyên nước, năng lượng, giao thông và di động, giáo dục, y tế, môi trường, quản lý chất thải, nhà ở, công ăn việc làm, và sử dụng công nghệ thông tin.
Ở một cấp độ khác có lồng ghép thêm các yếu tố sinh thái và phát triển bền vững như khái niệm của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức cho rằng Đô thị thông minh là “thành phố trung tính về CO2, sử dụng năng lượng và tài nguyên có hiệu quả, thích ứng với khí hậu trong tương lai”.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ của xu hướng phát triển đô thị thông minh. Dựa trên kinh nghiệm thế giới và các định hướng phát triển đô thị hiện tại trong nước, Ts. Ngô Viết Nam Sơn đã đưa ra khái niệm đô thị thông minh cho Việt Nam như sau: “Đô thị Thông minh là đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (viết tắt là ICT – Information Communication Technology) và mạng lưới thiết bị kết nối qua Internet (viết tắt là IoT – Internet of Things) để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch bền vững, quản lý đô thị hiệu quả và minh bạch, và với tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt”.
Như vậy, có thể thấy rõ, khái niệm đô thị thông minh là một khái niệm có tính mở. Việc lựa chọn các mục tiêu phát triển đô thị khác nhau như đô thị sinh thái, đô thị bền vững, đô thị công nghệ…trên nền tảng ứng dụng giải pháp đô thị thông minh sẽ cho ra những khái niệm mô hình Đô thị thông minh tương ứng. Việc phát triển đô thị thông minh ở mỗi quốc gia cần lựa chọn cho mình một định hướng khái niệm cụ thể trên cở sở hiểu rõ mục tiêu và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đô thị.
Phát triển đô thị thông minh mang lại hiệu quả nhiều mặt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Có thể thấy rõ, phát triển đô thị thông minh mang tới hiệu quả tích cực trên nhiều khía cạnh cho đô thị. Theo Ts.Kts Ngô Lê Minh, đô thị thông minh có khả năng đem lại nhiều lợi thế như hệ thống điều phối giao thông, vận chuyển năng lượng, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng ,… Các công nghệ thông tin và truyền thông thông minh giúp kết nối mạng lưới và kiểm tra mọi lĩnh vực quan trọng như giao thông, quản lý hành chính, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hoá.
Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 100 thành phố đã triển khai phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau. Một số hình mẫu thành phố thông minh có thể kể đến như Amsterdam (Hà Lan), Lyon (Pháp), Edinburgh (Scotland), Thị trấn thông minh Fujisawa của Nhật Bản… cùng hàng loạt doanh nghiệp viễn thông tiếng tăm đi tiên phong trong việc phát triển thành phố thông minh như Schneider Electric, Thales Group, IBM, Telefonica hay Telecom Italia.
Theo tính toán của Telefonica, một thành phố thông minh sẽ tiết kiệm được 5% lượng tiêu thụ giảm được 1% lượng điện tiêu thụ giảm 17% lượng khí thải CO2 và giảm gần 25% về nhu cầu giao thông vận tải. Nếu đặt ra bài toán về kinh tế, nguồn thu từ thành phố thông minh cũng đầy hứa hẹn dù chi phí đầu tư cho thành phố thông minh trên toàn thế giới năm 2010 lên đến 8 tỷ USD và đến năm 2020 tổng nguồn đầu tư lũy kế sẽ là 108 tỷ USD. Nguyên nhân vì thành phố thông minh sẽ đem lại doanh thu khổng lồ từ dịch vụ. Dự báo từ năm 2012 đến 2020, tổng doanh thu lũy kế mà thành phố thông minh mang lại lên đến 115 tỷ USD.
Theo Ths.Kts Nguyễn Chí Hùng, đô thị thông minh hiện được kỳ vọng như là một giải pháp “nhiệm mầu” cho tất cả các vấn đề của đô thị. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải giải pháp “toàn năng”, nhưng có thể là một giải pháp có nhiều ưu điểm so với các mô hình phát triển đô thị trước đây, bởi bản chất và mục tiêu của Đô thị thông minh bao gồm khả năng có thể “tự phát hiện, tự ứng phó, tự sửa chữa, tự học hỏi, tự tái tạo” từ những sai sót nếu có trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh phát triển đô thị thông minh một cách thiếu bài bản cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho cuộc sống của người dân và hoạt động của đô thị. Theo Ts. Ngô Lê Minh, mô hình Đô thị thông minh không chỉ có toàn ưu điểm, trên thực tế mô hình này tiềm ẩn nhiều nhược điểm và hạn chế cần phải thận trọng khi xem xét áp dụng vì các lý do: Mô hình phát triển Đô thị thông minh không phải lúc nào cũng đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu; Tham vọng xây dựng các đô thị mới, hiện đại, tích hợp công nghệ sẽ khiến chính quyền thành phố dễ dàng xem nhẹ, thậm chí bỏ rơi các khu đô thị hiện hữu; Nguy cơ mất an ninh và các nguy cơ tiềm ẩn do lộ thông tin cá nhân và hacker xâm nhập phá vỡ hệ thống lưu trữ thông tin quản lý đô thị tập trung.
Cần sớm xây dựng một chiến lược phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam
Đánh giá chung, phát triển “đô thị thông minh” ở nước ta đang ở trong các giai đoạn ban đầu. Dù đã nỗ lực thúc đẩy phát triển mô hình này nhưng qua gần 10 năm, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn dừng lại ở việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh tại một số đô thị lớn điển hình như TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng… Thời gian qua ước tính có gần 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông – CNTT trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh. Kết quả như vậy chưa tương xứng với tiềm năng và sự cần thiết đặt ra cũng như chưa làm rõ được các vấn đề cần đặt ra trong một chiến lược tổng thể hợp lý lâu dài cho câu chuyện phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam.
Một số các đô thị lớn như Bình Dương, Thanh Hóa… đã có những đề xuất quy hoạch các khu đô thị thông minh với quy mô nhỏ, nhưng là những tiền đề rất tốt cho việc rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng cấp độ toàn đô thị trong thời gian tới.
Theo Ts Ngô Viết Nam Sơn, việc phát triển đô thị thông minh còn rất nhiều thách thức, trước hết là áp dụng hệ thống công nghệ cao để đưa vào phát triển đô thị bởi điều kiện phát triển cho các đô thị và công trình của Việt Nam chưa đồng bộ, và hạ tầng cũng chưa được phát triển toàn diện. Vấn đề thứ hai là sự tiếp nhận của người dân, đặc biệt là người quản lý đô thị. Để sở hữu những căn hộ thông minh trong khu đô thị thông minh thì người dân bắt buộc phải chi trả một chi phí nhất định trong quá trình sử dụng, và chắc chắn là không rẻ.
Để triển khai có hiệu quả mô hình Đô thị thông minh tại Việt Nam, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay, là xây dựng một chiến lược quốc gia về xây dựng và phát triển đô thị thông minh giúp các đô thị thông minh tương lai của đất nước có thể phát triển khả quan, hài hòa, hợp tác tốt với nhau ngay từ giai đoạn đầu phát triển, hướng đến những mục tiêu giá trị thống nhất và đến việc cùng nhau đem lại hiệu quả cộng hưởng về mọi mặt trong suốt quá trình phát triển đô thị và phát triển quốc gia theo các định hướng: Ưu tiên tập trung cho các lĩnh vực đem lại giá trị “hiệu quả kinh tế” hạn chế triển khai thông minh nhiều mặt mà theo hướng tập trung vào một số lượng chọn lọc nhất định trong các lãnh vực như: chính quyền điện tử, quản lý đô thị, giao thông vận tải, hạ tầng, môi trường, tiết kiệm năng lượng, y tế và sức khỏe, an ninh trật tự, giáo dục, viễn thông,…; Tạo dựng cơ cấu quản lý thông minh trên nền tảng “hợp tác nhóm”; “Cải tổ tư duy và hệ thống quản lý” phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông minh trước hết từ các cơ chế chính sách chương trình hành động cấp chính phủ đến địa phương không chỉ về mặt công nghệ, mà cả về mặt đổi mới tư duy quản lý và cải tổ cơ cấu tổ chức hành chính đô thị, lập kế hoạch phát triển đô thị thông mình vừa phù hợp với nhu cầu của địa phương, vừa hướng đến việc kết nối liên thông với nhau trong tương lai theo môt chiến lược quốc gia thống nhất; Tối ưu hóa hiệu quả ứng dụng công nghệ Thông minh thông qua “Kết nối thông tin đa chiều” như cập nhật đồ bộ thông tin về các vấn đề quy hoạch, giao thông, môi trường trong một cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý – hoạch định chính sách phát triển đô thị; Lập “Kế hoạch phối hợp và giải pháp xử lý tình huống” cho suốt quá trình phát triển đô thị Thông minh hướng đến phân cấp phân quyền hợp lý tạo dựng mạng lưới kết nối đô thị thông minh trong tương lai; Nâng cao giá trị bản sắc đô thị thông minh và xây dựng các cộng đồng sống và làm việc đa dạng với nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh với trọng tâm là con người tăng giá trị sinh hoạt cộng đồng và bản sắc cho đô thị, thay vì là bản sao vô hồn giống nhau. Học hỏi một cách chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị thông minh để có cách làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nội tại của Việt Nam.
Theo Pgs.TS Nguyễn Minh Hoà, để có được một thành phố thông minh theo đúng nghĩa, các thành phố phải đảm bảo có được 5 yếu tố cơ bản và cốt lõi bao gồm: Hệ thống hạ tầng khung ICT bao gồm một hệ thống thông tin và truyền thông hiện đại, hoàn thiện và phủ kín toàn thành phố; Hệ thống hạ tầng của các loại hình dịch vụ, các lĩnh vực định áp dụng đảm bảo hiện đại, đồng bộ để tiếp nhận được công nghệ mới (bao gồm hệ thống giám sát, cảm biến, thiết bị đầu cuối như màn hình, điện thoại thông minh cá nhân); Khả năng đón nhận của người dân với khả năng mua thiết bị và sử dụng thiết bị tiêu biểu nhất là hệ thống điện thoại thông minh cá nhân; Phải có một ngũ chuyên gia cực giỏikhông chỉ là chuyên gia về công nghệ thông tin mà các nhà kinh tế, xã hội, tâm lý hàng đầu đối phó hiệu quả với các rủi ro và thách thức về quản lý vận hành đô thị thông minh; Có “chính quyền thông minh – lãnh đạo thông minh” để ra quyết sách đúng, lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên, quyết định mức đầu tư phù hợp và biết cách duy trì thành quả lâu dài, không nhất thời, có khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, có khả năng kết nối người dân và các tổ chức xã hội.
Ứng dụng có chọn lựa để mô hình đô thị thông minh tạo ra thế mạnh phát triển cho từng đô thị Việt Nam
Quá trình triển khai ứng dụng mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam cần thận trọng không nên vội vàng chạy theo phong trào. Cần nhận diện rõ ngoài những cái tích cực của đô thị thông minh thì có rất nhiều những thệ luỵ rất nặng nề bao gồm: tình trạng thất nghiệp tăng cao do dôi dư lao động từ việc sử dụng công nghệ thông tin tự động hóa vào nhiều lĩnh vực, đời sống riêng tư bị kiểm soát ngoài mong muốn, tạo ra các không gian sống lạnh lùng, tách biệt.
Đô thị thông minh chắc chắn phải dựa trên nền tảng của công nghệ và kỹ thuật, nhưng đề cao xã hội – nhân văn. Chính vì vậy, mỗi thành phố tại Việt Nam khi triển khai ứng dụng mô hình đô thị thông minh cần biết chắc nên ứng dụng vào lĩnh vực nào, địa điểm nào là tốt nhất và mỗi giai đoạn cần đạt đến cái gì, để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có, nguồn lực đầu tư, hướng tới đô thị thông minh trở thành nền tảng và thế mạnh cho phát triển đô thị.
Một ví dụ thí điểm tiêu biểu là đề xuất mô hình đô thị thông minh găn với đại học tại Bình Dương. Theo Pgs Ts.Kts Nguyễn Hồng Thục, xây dựng chiến lược phát triển đô thị thông minh gắn với đại học để Bình Dương hướng đến tạo ra thế mạnh phát triển lâu dài cho đô thị hướng đến phát triển Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế trí thức của cả Nam, Trung bộ, là nơi đào tạo cán bộ chuyên gia, những người có đủ năng lực đưa đất nước hội nhập. Việc ứng dụng triển khai mô hình Đô thị thông minh găn với đại học sẽ là cánh cửa phát triển thay đổi diện mạo đô thị Bình Dương bởi các ưu thế tạo dựng động lực tăng trưởng kinh tế tri thức, tận dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp hóa sẵn có tại địa phương cũng như nguồn nhân lực công nghiệp có trình độ cao, cũng như kế thừa được các kinh nghiệm phát triển mô hình đô thị đại học thông minh đã triển khai rất thành công trên thế giới.
Theo Ths.Kts Nguyễn Chí Hùng, đối với các đô thị các đô thị trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của các tác động hiện tượng thiên tại và biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh có thể coi là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
Sử dụng các ưu thế về công nghệ hiện đại, trên cở sở nền tảng những công nghệ “thân thiện” với môi trường sẽ giúp đem lại hiệu quả cao hơn trong mục tiêu ứng phó với Biến đổi khí hậu. Có thể học hỏi các kinh nghiệm này từ các mô hình thí điểm thành công trên thế giới như mô hình Đô thị tự thân bền vững tự ứng phó với khí hậu nóng và hạn hán Masdar City tại Abu Dhabi (UAE), mô hình thành phố nổi chống chịu nước biển dâng Ijberg tại Hà Lan, Mô hình đô thị thông minh tự nhân rộng tại Nhật Bản, mô hình quy hoạch hạ tầng Đô thị xanh thông minh Vancouver (Canada), giải pháp quy hoạch hạ tầng đô thị thông minh phòng chống thiên tai của Rio de Janero (Brazil). Điều này có thể mang đến giải pháp hiệu quả cho phát triển đô thị bền vững ở nước ta đặc biệt trong điều kiện có khoảng 150/800 đô thị chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hiện tượng Biến đổi khí hậu ở nước ta trong tương lai gần./.
HOÀNG PHƯƠNG
TẠP CHÍ KTVN SỐ 207 – 2017
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam