Thành phố Thông minh & vấn đề quản lý phát triển đô thị
Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một trào lưu của các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang bước đầu tiếp cận. Bài viết thảo luận về bối cảnh phát triển nhằm làm rõ nhu cầu đổi mới và gợi ý về một số lĩnh vực cần nghiên cứu nhằm quản lý phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay.
Thành phố thông minh
Các thành phố phải thay đổi để thích ứng công nghệ mới. Thế kỷ XXI đánh dấu giai đoạn chín muồi của ứng dụng công nghệ. Các ‘đế chế’ công nghệ mới hình thành và lan tỏa ngày càng nhanh khắp thế giới. Từ IBM cho tới Microsoft, Apple, Google, và Facebook, sản phẩm của họ lan tỏa khắp giới trong khoảng thời gian ngày càng ngắn. Cuộc sống đang đang thay đổi từ cách giao tiếp (Skype, Facebook Messenger), tìm kiếm và học hỏi (Google, Wikipedia), mua sắm và phân phối (Amazon, Alibaba), đi lại (Uber, Grab, và Didi Chuxing), và cách ở (Air Bnb). Năng lực mới do công nghệ đem lại như điện toán đám mây, kết nối và đo lường trực tuyến, xử lý dữ liệu quy mô lớn khi ứng dụng công nghệ tin học – truyền thông, nhận dạng, công nghệ số, di động, và internet vạn vật giúp thành phố xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn, và kịp thời hơn (Komninos, 2014).
Thành phố thông minh là nơi giải quyết các vấn đề đô thị thông minh hơn. Khó có thể nói thành phố thông minh sẽ gồm các đặc điểm nào do khả năng mở rộng không ngừng của các ứng dụng công nghệ. Chúng ta đã chứng kiến thay đổi trong tổ chức đi lại, cung cấp năng lượng, phân phối hàng hóa, quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh, bảo vệ tài nguyên, và cung cấp dịch vụ công ở khu vực đô thị… Có thể hiểu đây là ‘nơi ứng dụng gia tăng hiệu quả mạng lưới dịch vụ truyền thống bằng công nghệ số hóa và thông tin truyền thông phục vụ đời sống và kinh doanh hướng đến sáng tạo cạnh tranh và bền vững’(1). Trên quan điểm này, thành phố thông minh là nơi biết cách đầu tư thích đáng để trở thành ‘nơi ứng dụng tốt công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị’ (Caragliu, Del Bo, & Nijkamp, 2011, p.65-82). Các vấn đề hiện nay được chia theo lĩnh vực gồm nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh (Schaffers, 2011) (Xem hình dưới).
Mỗi thành phố/quốc gia có chiến lược riêng phụ thuộc bối cảnh phát triển. Các nước đã phát triển xây dựng thành phố thông minh trong giai đoạn hậu đô thị hóa. New York, Barcelona, London, Amsterdam, Munich, Tokyo… cần thông minh hơn để đối mặt thách thức dân số già, biến đổi khí hậu, an ninh và duy trì vị thế cạnh tranh… Mỗi thành phố lại có ưu tiên riêng đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thế mạnh của mình. Một số quốc gia có đủ nguồn lực và điều kiện phát triển thí điểm các thành phố mới có tính biểu tượng như Songdo – Hàn Quốc hay Singapore. Các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực đầu tư quy mô lớn như Trung Quốc – 285 dự án thử nghiệm tại trên 100 thành phố, Ấn độ – xây dựng dự án ở 100 thành phố. Các quốc gia khác cũng thí điểm xây dựng mới như Malaysia có Putrajaya, và Tiểu vương quốc Arập thống nhất là Dubai. Tuy nhiên, dường như các dự án xây mới có quy mô dùng làm ‘biểu tượng’ có chi phí đầu tư lớn và phù hợp với nhóm cư dân ‘ưu tú’ có khả năng chi trả cao. Việc nhân rộng phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế.
Thành phố thông minh là sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ và quản trị bao gồm cả thể chế. Dưới giác độ xã hội, lợi ích lớn nhất khi phát triển thành phố thông minh là ‘giúp tạo ra sự phối hợp hành động để đối mặt với thách thức ở cấp độ lớn hơn’. Đây là kết quả của phương thức quản trị mới khi phát huy ứng dụng công nghệ mới. Mục tiêu của phối hợp hành động là phát huy tốt hơn nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội cùng với sức mạnh công nghệ để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, bền vững hơn (Directorate General for Internal Policies, 2014, p.18). Chính vì vậy, những thành phố được cho là thông minh nhất ở châu Âu được trân trọng bởi thành công trong giải quyết tắc nghẽn và giảm phát thải CO2 thông qua tổ chức đi lại bằng xe đạp công cộng, doanh nghiệp và cộng đồng cùng tiết kiệm năng lượng và nước sạch, cũng như tham gia, đóng góp các sáng kiến nhằm làm cho thành phố an toàn và thân thiện hơn chứ không vì họ dùng công nghệ gì. Các thành phố có nguồn vốn xã hội lớn hơn hay có nền tảng thể chế hoàn thiện hơn thường dẫn đầu trong các bảng xếp hạng vì lý do này.
Với cách hiểu trên về thành phố thông minh nhấn mạnh giác độ thể chế quản trị để giải quyết tốt thách thức khi ứng dụng công nghệ thông minh, chúng ta cùng phân tích bối cảnh phát triển ở Việt Nam.
Bối cảnh phát triển ở Việt Nam
Hiện trạng phát triển:
Bối cảnh phát triển của các thành phố ở Việt Nam là đô thị hóa nhanh và xuất phát điểm thấp. Nếu như các nước phát triển tìm cách làm mới thành phố của họ trong khuôn khổ hạ tầng đã ổn định thì Việt Nam còn nhiều cơ hội để xây dựng mới bởi chúng ta mới đi được nửa chặng đường đô thị hóa (35% / 70%) (World Bank & MPI, 2016). Tốc độ đô thị hóa giảm vài năm gần đây nhưng vẫn xấp xỉ 3%/năm – nên vẫn coi là đô thị hóa nhanh. Dự báo trong những thập kỷ tới, tốc độ này vẫn được duy trì và tập trung ở các vùng đô thị lớn, các đô thị loại 1 và 2, đô thị gắn với khu kinh tế mở, các đô thị nghỉ dưỡng, đô thị cửa khẩu.
Bên cạnh một số điều kiện khách quan thuận lợi là không ít khó khăn. Dân số thành thị trẻ, năng động, độ phủ internet cao, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh cùng xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng(2)… có thể là thuận lợi khách quan. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh trong bối cảnh năng suất lao động thấp, khả năng tạo việc làm phi nông nghiệp ổn định ở thành phố là những khó khăn trước mắt(3). Bên cạnh đó, nợ công cao và tiềm lực kinh tế còn hạn chế, và năng lực quản trị quốc gia còn hạn chế là những thách thức lâu dài cần làm rõ khi lựa chọn chiến lược đầu tư cho thành phố thông minh.
Hiện trạng phát triển đô thị cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết. Những vấn đề nổi bật về phát triển đô thị bao gồm tắc nghẽn, ô nhiễm, thiếu nhà ở tại các thành phố lớn. Hai siêu đô thị gặp vấn đề trong quản lý nội đô, quản lý mở rộng tràn lan, và kết nối vùng (Hieu, 2015). Mở rộng thiếu tính toán, tràn lan, dự án treo, thiếu hạ tầng kết nối tại các khu vực ngoại vi mới mở rộng của hầu hết các đô thị. Các đô thị trung bình và nhỏ thiếu nguồn lực để phát triển, ít hỗ trợ lan tỏa đô thị hóa dẫn tới mất cân đối về lao động và định cư trong không gian phát triển quốc gia (World Bank, 2011). Khoảng cách về nhà ở và người nghèo đô thị tiềm ẩn bất ổn khi giá nhà vượt quá khả năng chi trả với phần lớn các hộ gia đình ở các nhóm thu nhập, trong khi đó thị trường bất động sản còn chưa minh bạch và bảo vệ người yếu thế (UN-Habitat, David Sims, & Sonja Spruit, 2014, p.67). Biến đổi khí hậu không chỉ đe dọa các đô thị ven biển mà còn nhiều thành phố khác do thiếu hụt nguồn nước, ngập lụt. Chất lượng môi trường đô thị suy giảm, ô nhiễm nước và không khí đe dọa các đô thị lớn (Monre, 2016).
Thực trạng phát triển cho thấy cần ưu tiên điều chỉnh trong hệ thống quản lý phát triển hiện nay, bao gồm cả việc lập đồ án cho tới thực thi quy hoạch.
Nhu cầu đổi mới hệ thống quản lý phát triển:
Hệ thống quy hoạch đô thị còn những bất cập về cả thể chế và phương pháp quản trị. Những đánh giá về hệ thống quy hoạch gần đây cho rằng phương pháp quy hoạch nặng về quy hoạch vật thể với phương châm thiết kế đặt tầm nhìn và kỳ vọng về hình ảnh tương lai nhưng thiếu tính chiến lược để định hướng thực hiện bởi đồ án lập ra dựa trên dự báo dài hạn nhưng lại thiếu cơ sở tính toán. Cách tiếp cận chuyên gia và từ trên xuống làm quy hoạch thiếu cơ sở là bằng chứng (Lawrie Wilson, 2016). Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội thiếu kết nối với quy hoạch chức năng và ngược lại. Tổ chức quản lý thiếu phối hợp giữa ngành Xây dựng và Tài nguyên và Môi trường trong quy hoạch sử dụng đất (Hau Do, 2016). Quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị chưa tích hợp để quản lý nhu cầu đi lại gắn với phát triển giao thông công cộng. Quy hoạch phân khu là không cần thiết cho các đô thị nhỏ. Quy hoạch vùng cho các vùng đô thị lớn chưa có quy định trong khi kế hoạch vùng lãnh thổ chưa đáp ứng nhu cầu (Hau Do, 2016). Quá trình thực thi quy hoạch có xu hướng sửa nhiều lần theo hướng hạ thấp tiêu chuẩn đề ra dẫn tới phá vỡ các chỉ tiêu kiểm soát ban đầu ở các khu đô thị mới, khu cải tạo (Nham Pham Thi, 2016). Các chương trình phát triển đầu tư theo giai đoạn khó tìm được tính đồng bộ ở cấp độ vùng và đô thị, trong khi quy hoạch chi tiết được lập bởi chủ đầu tư khó song hành với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị thường bị chậm bố trí vốn bởi khó khăn về ngân sách.
Tổ chức quản lý phát triển thiếu nền tảng tích hợp. Việc khó phối hợp trong quản lý có mối quan hệ chặt chẽ với việc thiếu nền tảng để tích hợp quy hoạch và quản lý. Mỗi cơ quan chuyên ngành (kế hoạch đầu tư, quy hoạch, xây dựng, tài nguyên – môi trường, giao thông vận tải và phòng cháy chữa cháy) sử dụng cơ sở dữ liệu riêng không dễ dàng chia sẻ, chưa kết nối trực tuyến. Tổ chức quản lý phát triển chủ yếu làm theo quy trình tuần tự dẫn tới tác động liên ngành khó được xử lý. Ví dụ như kiểm soát xây dựng thường quan tâm đến kích thước vật lý và bao nhiêu hộ dân, trong khi một siêu thị đặt ở khối đế sẽ thu hút dân ở xung quanh gấp 10 lần dân số sống trong tòa nhà đến giao dịch và kết quả là ách tắc xảy ra. Nhìn chung các dự án phát triển thường chậm nhận được ý kiến phản hồi. Các cơ quan quản lý khó có thể truy vấn các khác biệt về số liệu cũng như đánh giá. Cơ chế ‘tổ liên ngành’ để xử lý cùng một đầu mối khi vấn đề liên quan đến nhiều bên ít được áp dụng trừ các dự án lớn có tính cấp bách (Tan Du Phuoc, 2016). Nhìn chung hệ thống quản lý thiếu nền tảng kỹ thuật như hồ sơ cập nhật trên một nền số liệu cập nhật và cơ chế điều phối đa biên.
Thiếu sự kết nối và giải quyết vấn đề phát triển đô thị theo không gian ảnh hưởng. Thể chế hiện tại giới hạn ở thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền trong quản lý về lãnh thổ trong khi các hoạt động kinh tế, đi lại, định cư, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống sinh thái có sự phụ thuộc với nhau. Mối quan hệ đa diện về lãnh thổ giữa vùng đô thị và nông thôn hiện nay ngày càng lan rộng cùng quy mô đô thị. Thể chế thông minh là phải xác lập các khuôn khổ thuận lợi, kết nối các ‘lưu vực’ để giải quyết các ưu tiên hệ thống logistic cung cấp chuỗi thực phẩm phân bổ không gian cho các khu chức năng hạ tầng đô thị đặc biệt là ở các đô thị lớn nơi ‘lưu vực sống’ vượt xa ranh giới hành chính. Thiếu cơ chế phối hợp, thậm chí sự cạnh tranh không cần thiết trong nội bộ vùng đô thị hóa dẫn đến sự dư thừa các khu công nghiệp, cảng biển, xung đột trong việc sử dụng các tài nguyên (Cuong Vo Kim, 2015, p.19-24) (Phi Ho Long, 2012) (Son Ngo Viet Nam, 2014).
Thiếu công cụ để làm rõ những tác động đa chiều, chí phí ẩn có tính lâu dài. Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam dạng mở rộng nhanh vùng ngoại vi rất dễ dẫn tới xu hướng mở rộng tràn lan vốn đã được cảnh báo làm phát sinh gánh nặng tài chính do chi phí hạ tầng và dịch vụ tiện ích không tối ưu. Chi phí chống ngập tăng nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ cho thấy quá trình mở rộng giai đoạn vừa qua đã chưa tính hết nhu cầu đầu tư và tính toán cách thức phân bổ để giảm gánh nặng cho các bên liên quan chịu ảnh hưởng và đặc biệt là ngân sách (Hieu & Nam, 2016). Bên cạnh đó, việc cải tạo nâng mật độ ở nội đô cũng phản ánh cơ chế phát triển không đảm bảo cân đối đầu tư tiện ích hạ tầng gây quá tải. Nhìn chung các vấn đề đa chiều như giao thông, ngập lụt, nhà ở, tài chính đô thị, nhà ở xã hội, và ô nhiễm môi trường đều cần các công cụ tốt hơn để ra quyết định ‘thông minh hơn’ nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường và tối ưu chi phí xã hội.
Cơ hội xây dựng thành phố thông minh trong lĩnh vực quản lý phát triển
Quy hoạch chiến lược và tích hợp:
Chuyển đổi sang hệ thống quy hoạch chiến lược. Điều kiện đầu tiên để chuyển sang quy hoạch chiến lược (giống như đánh trận với khả năng lên kế hoạch và thích ứng theo thực tế) là làm chủ thông tin có chất lượng. Năng lực thu thập và xử lý thông tin mở rộng giúp các cơ quan quản lý quy hoạch thay đổi cách tiếp cận đóng khung theo đồ án ‘cứng’ sang hình thức định hướng, giám sát, điều chỉnh cơ chế vận hành căn cứ theo các chỉ số chiến lược (Hieu, 2011, p.24-31). Việc xây dựng bộ chỉ số chiến lược theo nhu cầu là cần thiết, xong cách tổ chức để quản lý theo quy hoạch chiến lược cũng cần tối ưu hóa như cách thức giám sát, thông qua, và phê duyệt các chương trình đầu tư, dự án lớn dựa vào bộ chỉ số như thế nào. Nếu có nhiều cấp ra quyết định, việc phân cấp sẽ cần làm rõ. Có thể hình dung cấp thành phố sẽ tập trung giám sát và điều chỉnh bằng chính sách; cấp trực tiếp sẽ ra quyết định theo khuôn khổ pháp lý và phạm vi trao quyền. Việc xác định ở đâu làm gì có các căn cứ thực tiễn đánh giá ở cơ sở và theo các khuôn khổ đã được chương trình đầu tư xác lập hỗ trợ. Việc đánh giá dự án cũng căn cứ theo các chỉ số giám sát.
Hệ thống chỉ số giám sát cần đảm bảo hiệu lực và tin cậy. Tuy nhiên, do quy hoạch chiến lược dựa vào hệ thống dữ liệu nên chất lượng của dữ liệu là quan trọng. Ứng dụng hiện nay cho phép ứng dụng các cảm biến kỹ thuật với sự tham gia của xã hội để theo dõi và ra quyết định ngày càng hiệu quả. Hiện tại đầu ra của trạm xử lý nước tại các khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và cập nhật thờ gian thực. Số liệu định vị GPS của người tham gia giao thông được Google sử dụng để cung cấp tình hình giao thông theo thời gian thực (Google cung cấp miễn phí tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ tháng 10/2016). Cơ quan quản lý sẽ kết hợp nhiều nguồn như diện tích mặt đường, mật độ, hay chiều dài đường… dữ liệu quan trắc độc lập và từ báo cáo để quyết định. Bên cạnh các số liệu đo đạc, cảm biến xã hội hay ý kiến người tham gia trong nhiều trường hợp cũng quan trọng như cảm biến kỹ thuật. Để có thông tin có chất lượng, cần đảm bảo cơ chế minh bạch, dân chủ, và tham gia. Điều này đòi hỏi sự kết hợp, liên minh và chia sẻ trách nhiệm và khai thác thế mạnh của các bên một cách thông minh. Điều này dẫn tới thách thức phải xây dựng năng lực của cơ quan quản lý trong việc duy trì cơ sở dữ liệu có chất lượng như thế nào.
Phát triển công cụ quản lý:
Bổ sung công cụ đánh giá. Các công cụ đánh giá giúp làm rõ các tác động đa chiều của phát triển, cung cấp cơ sở cho lựa chọn tối ưu. Đối với thành phố Hồ Chí Minh nơi đang cần giải quyết tắc đường và ngập lụt cần cần sớm bổ sung công cụ đánh giá tác động giao thông (Traffic Impact Assessment) để cung cấp thêm cơ sở duy trì khả năng vận hành của hệ thống giao thông. Vấn đề ngập lụt cần bổ sung các công cụ tính toán tài chính để khuyến khích khả năng chống chịu và giảm gánh nặng ngân sách. Chú ý là việc thay đổi mặt phủ làm giảm khả năng thấm của nước ở một số nước (trong đó có CHLB Đức) người chủ đất phải trả phí cho thành phố hoặc phải tuân thủ việc chứa nước xuống đất và đảm bảo hệ số thấm như khi chưa phát triển. Chúng ta chưa sử dụng công cụ chính sách và áp dụng kỹ thuật tính toán này nên khó giảm gánh nặng của chi phí thoát nước.
Ngoài ra, còn rất nhiều các công cụ khác cần tham khảo và nghiên cứu vận dụng. Một số công cụ tiêu biểu đã được giới thiệu vào Việt Nam từ lâu như lựa chọn dự án/chương trình đầu tư sử dụng phân tích đa tiêu chí (MSIP), thu lại giá trị gia tăng khi đầu tư vào hạ tầng (value capture), đánh giá chi phí hiệu quả dự án hạ tầng (CBA), phát triển thông minh dựa trên sự tương tác của các chủ thể liên quan và mô phỏng (smart growth), hợp tác tham gia phát triển đồng thuận thay vì thu hồi đất, nhượng quyền phát triển để hỗ trợ bảo tồn, hay phát triển theo năng lực vận tải công cộng sức chở lớn (TOD), …
Xây dựng nền tảng thể chế thích ứng:
Xây dựng nền tảng để quản lý phát triển tích hợp. Nền tảng tích hợp bao gồm các điều kiện kỹ thuật và thể chế để tích hợp các cơ sở dữ liệu, tích hợp các loại quy hoạch, tích hợp quy hoạch và kiểm soát phát triển, đảm bảo cơ chế điều phối và ra quyết định khi có nhiều bên tham gia quá trình, và ràng buộc việc tham gia sử dụng các bằng chứng. Bên cạnh đó, cơ chế thu thập, nuôi dưỡng và sử dụng dữ liệu là thách thức lớn về mặt năng lực của cơ quan quản lý. Đặc biệt, việc xây dựng chính quyền tự chủ cũng là yếu tố quan trọng khi được trao quyền và trách nhiệm thì mới phát huy được sức sáng tạo của địa phương. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế điều phối liên cấp, liên vùng, giữa đô thị và nông thôn để giải quyết vấn đề theo phạm vi ảnh hưởng. Đây là những bài toán lớn cần giải đáp tháo gỡ các vướng mắc về thể chế hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cần tham khảo bởi có những tổ chức sắp xếp thể chế rất ‘thông minh’ cần được nghiên cứu vận dụng.
Cần chú ý là các nước phát triển dù đã có nền tảng tốt thì quá trình đổi mới vẫn diễn ra thường xuyên trên nhiều khía cạnh xã hội (Shelton, Zook, & Wiig, 2015, p.13-25). So với sự tiến bộ của công nghệ, thể chế vẫn bị coi là chưa theo kịp (Smedley Tim, 2013). Các mô hình chia cắt kiểu ‘silo’ về thông tin và quyền lực vẫn tồn tại và thường thì các thành phố phát triển cũng đang phải đổi mới hệ thống quản trị để thích nghi với bối cảnh mới (Stokes & Larson Mitchell J., 2015).
Thay cho kết luận
Bối cảnh phát triển ở Việt Nam vẫn cần chú trọng lĩnh vực truyền thống và quản lý phát triển đô thị cần ưu tiên. Để làm tốt việc này cần chuyển đổi sang quản lý phát triển chiến lược, tích hợp. Muốn làm được điều này cần xây dựng nền tảng tích hợp gồm hệ thống chỉ số tổng hợp và phát triển các công cụ đánh giá, cơ chế nuôi dưỡng và sử dụng các chỉ số.
Nền tảng của thành phố ‘thông minh’ là cách thức chia sẻ và hợp tác nên có thể bắt đầu bằng tìm cơ chế để các bên mở các kho dữ liệu ra để chia sẻ và kết nối họ phối hợp hành động. Chú ý kết nối thông tin theo khu vực thay vì dự án, kết nối giữa các bên trong quan hệ chiều ngang và dọc cũng như với bên ngoài khu vực công và quốc tế.
Về lâu dài, cần phát triển năng lực quản trị vốn có ưu điểm phát huy sức mạnh và nguồn lực xã hội trong phát triển. Tất nhiên các nền tảng của công nghệ như chất lượng cảm biến – hệ thống đo lường và phản biện xã hội cũng phải xây dựng; đầu tư xây dựng năng lực cho các trung tâm thu thập phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data).
Bài viết này chưa phải nghiên cứu và các chủ đề thảo luận nhằm gợi ý hướng nghiên cứu để xây dựng nền tảng cho sự phát triển thành phố thông minh, thịnh vượng, nhân văn, và bền vững.
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Đại học Việt Đức
Chú thích:
(Directorate General for Internal Policies, 2014, p.17) Việt Nam đang trong kỷ nguyên dân số vàng với 70% dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64). Tuổi trẻ tỷ lệ biết chữ cao tập trung ở thành thị (Nham Pham Thi, 2016). Tốc độ tăng trưởng Internet của Việt Nam luôn nằm trong nhóm 20 quốc gia có tốc độ nhanh nhất trong 17 năm; 50% dân số tiếp cận internet ở Việt Nam vào năm 2014 và 37% sử dụng điện thoại thông minh truy cập internet.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2015, Tổng cục Thống kê.
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam