Xây dựng thành phố thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và những gợi mở cho Việt Nam
Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một xu thế tất yếu của các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang bước đầu tiếp cận theo xu hướng này. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 40 tỉnh, thành phố xây dựng các đề án về thành phố thông minh. Các đô thị Việt Nam được đánh giá là có triển vọng để phát triển các thành phố thông minh, tuy nhiên để biến những triển vọng này trở thành hiện thực thì cần phải có những chính sách phù hợp. Bài viết nhằm làm rõ các nội hàm cơ bản của thành phố thông minh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra những gợi mở cho sự phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
1. Khái niệm thành phố thông minh
Thuật ngữ “thành phố thông minh” xuất hiện vào những năm 90 của thế kỷ XX với nội hàm ban đầu để chỉ những nơi mà công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được áp dụng rộng rãi trong kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, quan điểm này sau đó bị chỉ trích vì quá tập trung vào các giải pháp công nghệ mà bỏ qua những phương diện khác của thành phố thông minh. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều các nội hàm khác nhau của thành phố thông minh:
– A. Caragliu và cộng sự (2011): Đô thị trở nên thông minh khi đầu tư về vốn nhân lực, vốn xã hội, hạ tầng truyền thống (giao thông) và hạ tầng truyền thông hiện đại (ICT) thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, với một cơ chế quản lý tài nguyên thiên nhiên sáng suốt(1).
– N. Kominos (2011): Thành phố thông minh được xem là những vùng lãnh thổ với năng lực học hỏi và sáng tạo cao, được xây dựng dựa trên sức sáng tạo của người dân, thể chế sáng tạo tri thức, và hạ tầng số cho sự quản lý truyền thông và tri thức(2).
– Nam và Pardo (2011): Thành phố thông minh là một đô thị truyền tải thông tin vào hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao tiện ích, hỗ trợ dịch chuyển, tăng hiệu quả, bảo quản năng lượng, cải thiện chất lượng không khí và nước, tìm ra những vấn đề và khắc phục nhanh chóng, hồi phục nhanh sau khủng hoảng, thu thập dữ liệu nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn, sử dụng tài nguyên hiệu quả, và chia sẻ dữ liệu nhằm mở rộng hợp tác giữa các thực thể và khu vực(3).
Dựa trên các quan điểm nêu trên, theo tác giả: Thành phố thông minh là một thành phố được phát triển nhờ việc ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông tiến bộ nhằm tăng cường sự kiểm soát và kết nối trong tất cả các lĩnh vực đời sống trong thành phố, từ đó nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế – xã hội, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, đem lại một cuộc sống chất lượng hơn cho cư dân. Thành phố thông minh là nơi mà con người và vạn vật được kết nối, liên kết và tích hợp với nhau nhờ công nghệ số, tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ về đô thị mà đến lượt mình các dữ liệu đó lại được sử dụng một cách thông minh để quản lý và phục vụ mỗi cá nhân theo thời gian thực.
Theo Giffinger (2010), thành phố thông minh gồm 6 trụ cột: nền kinh tế thông minh, dịch chuyển thông minh, môi trường thông minh, con người thông minh, cuộc sống thông minh và chính quyền thông minh. Phương pháp tiếp cận này được đánh giá mang tính hệ thống và toàn diện, giúp tạo nền tảng để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thành phố thông minh(4).
2. Các nội dung phát triển thành phố thông minh
Một là, nền kinh tế thông minh. Nền kinh tế thông minh được đặc trưng bởi việc ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông vào tất cả các hoạt động của nền kinh tế; nền kinh tế thông minh được xây dựng dựa trên nền kinh tế tri thức, nơi tri thức được coi là chìa khóa của sự phát triển; nền kinh tế thông minh cũng là một nền kinh tế xanh; nền kinh tế thông minh hướng đến sự chia sẻ.
Hai là, chính quyền thông minh. Nhờ áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chính quyền thông minh sẽ giải quyết tốt hơn những thách thức trong phát triển đô thị, thúc đẩy và tận dụng tối đa những trụ cột khác của thành phố thông minh. Những đặc điểm của chính quyền thông minh bao gồm: ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mọi hoạt động của chính quyền; một chính quyền mở – nâng cao sự tham gia của người dân; xây dựng dữ liệu mở được tiếp cận bởi mọi khu vực của xã hội; chính quyền thực hiện quản lý và giám sát thành phố hiệu quả thông qua cơ sở thông tin được tổng hợp và cập nhật liên tục.
Ba là, giao thông thông minh. Vấn đề giao thông ngày càng trở nên nan giải đối với các thành phố trước sức ép của quá trình đô thị hóa, do đó, xây dựng giao thông thông minh sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông thông minh có hiệu quả hoạt động cao, hệ thống quản lý giao thông tiên tiến giúp tối ưu hóa được lưu lượng giao thông trong thành phố. Chính quyền sẽ chủ động trong việc điều chỉnh lưu lượng trong thành phố, có khả năng xây dựng cơ chế giá cả linh động dựa trên nhu cầu giao thông thay đổi của người dân. Giao thông thông minh còn cung cấp thông tin giao thông thời gian thực tới cả chính quyền và người dân; ứng dụng thanh toán điện tử đối với các loại phương tiện giao thông. Trong giao thông thông minh, thế hệ xe mới sẽ chạy bằng điện và tự động, thân thiện môi trường. Giao thông thông minh hướng đến giúp các chủ thể tham gia giao thông có được sự thuận tiện nhất, giảm chi phí và thời gian lưu thông, đồng thời vẫn đảm bảo sự an toàn.
Bốn là, môi trường thông minh. Môi trường thông minh hướng tới áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo đảm chất lượng môi trường sống (không khí, nước, đất), giữ gìn không gian xanh và hệ sinh thái đa dạng… Những đặc điểm của môi trường thông minh bao gồm: ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng; thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; sử dụng hệ thống cảm biến thông minh để phát hiện ô nhiễm và sự cố theo thời gian thực; kiểm soát sự ô nhiễm không khí; quản lý và xử lý rác thải hiệu quả.
Năm là, cuộc sống thông minh. Cuộc sống thông minh hướng tới đem lại cho các cá nhân một trải nghiệm mới về một cuộc sống chất lượng cao (nâng cao chất lượng của các dịch vụ y tế, giáo dục…) trên nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại; hướng tới đảm bảo sự an toàn của các cá nhân; tăng cường sự gắn kết xã hội.
Sáu là, cư dân thông minh. Trong thành phố thông minh, cư dân đóng vai trò trung tâm, vừa là người thụ hưởng nhưng cũng là người đóng góp xây dựng, phát triển thành phố. Chỉ có cư dân thông minh mới có khả năng tận dụng hiệu quả những thành tựu công nghệ, nhận thức trách nhiệm của mình trong việc giám sát, quản lý các hoạt động của chính quyền thành phố và đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng thành phố. Cư dân thông minh được thể hiện ở những đặc điểm sau: có trình độ học vấn cao; có lòng nhiệt huyết học tập suốt đời; tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng; có sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo.
3. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thành phố thông minh
Kinh nghiệm của thành phố Seoul (Hàn Quốc) về xây dựng chính quyền thông minh
Để xây dựng chính quyền thông minh, thành phố Seoul đã lên kế hoạch với 5 giai đoạn phát triển trong suốt hai thập niên qua. Về định hướng chiến lược, chính quyền thành phố Seoul xác định hai trọng tâm, đó là việc sử dụng Dữ liệu lớn (Big Data) và việc chuyển tiếp nhanh chóng sang cung cấp dịch vụ công một cách di động. Chính quyền Seoul muốn tận dụng dữ liệu lớn nhằm đem lại các dịch vụ hành chính có tính sáng tạo và khoa học(5); chủ động thúc đẩy các dịch vụ hành chính toàn diện và có tính di động nhằm cung cấp cho người dân các “dịch vụ công thời gian thực”(6) vào bất kỳ lúc nào và bất kỳ đâu trên các thiết bị di động, kèm theo đó là sự tăng hiệu quả dịch vụ công. Chính quyền Seoul đã phát triển cơ sở hạ tầng của chính quyền điện tử đáp ứng nhu cầu người dân một cách linh động hơn, cụ thể là xây dựng các hệ thống thông tin có liên kết với tất cả các dịch vụ công của chính quyền thành phố, thiết lập hệ thống viễn thông kết nối với 32 tổ chức có liên quan. Chính quyền cùng với các trang web tư nhân đã thiết lập những nền tảng chung giúp chia sẻ những nội dung đa dạng tới cộng đồng. Đồng thời, chính quyền cũng đã xây dựng những mạng lưới xã hội để tạo sự giao tiếp với người dân, ví dụ như những ứng dụng tiếp nhận phàn nàn và đóng góp của người dân: “Eung-dap-so”, mVoting, Trung tâm cuộc gọi Dasan 120, Oasis…(7)
Kinh nghiệm của thành phố Amsterdam (Hà Lan) về kinh tế thông minh
Ý tưởng “Chương trình thành phố thông minh Amsterdam” xuất phát từ năm 2007 và từ năm 2009, chương trình đã phát triển hơn 100 dự án sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, như năng lượng, giao thông và nền kinh tế tuần hoàn… Trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn, chính quyền thành phố Amsterdam tập trung 2 nội dung chính là xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng và luồng rác thải hữu cơ, nhằm giảm lượng rác thải xây dựng và rác thải hữu cơ mỗi năm, giảm lượng khí thải CO2 hằng năm. Để hình thành chuỗi xây dựng tuần hoàn, chính quyền thành phố đưa ra những chiến lược cụ thể như sau: 1) Chiến lược thiết kế thông minh nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu thay đổi của người sử dụng đối với các tòa nhà. 2) Ứng dụng công nghệ mới để phân loại rác thải xây dựng và sau đó được đem bán để tái sử dụng nhằm bù đắp một phần chi phí tháo dỡ. 3) Ứng dụng công nghệ để tái chế các vật liệu xây dựng vào sản xuất nhiều sản phẩm mới có giá trị cao và hướng tới hạn chế lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng. 4) Thiết lập những thị trường trực tuyến và một hệ thống logistics hỗ trợ để tạo điều kiện cho các công ty phá dỡ, xây dựng và tái chế trao đổi việc mua bán những vật liệu xây dựng tái chế ở Amsterdam(8).
Kinh nghiệm của thành phố Hamburg (Đức) về giao thông thông minh
Với vị trí là một trong những trung tâm giao thông quốc gia và quốc tế, thành phố Hamburg đang phải đối mặt với sức ép giao thông ngày càng tăng. Do đó, chính quyền thành phố Hamburg đã thông qua Chiến lược Hệ thống giao thông thông minh (ITS) vào năm 2016 nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giải quyết những sức ép về vận tải và giao thông. Mục đích của Chiến lược Hệ thống giao thông thông minh của Hamburg là hướng tới một hệ thống giao thông hiệu quả, an toàn, thân thiện môi trường, cung cấp thông tin chất lượng cao và thúc đẩy sáng tạo. Điều này được thông qua 8 hoạt động chính: dữ liệu, thông tin giao thông thông minh, quản lý giao thông thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh, đỗ xe thông minh, dịch vụ giao thông thông minh, phương tiện giao thông thông minh và sự đẩy mạnh sáng tạo(9).
Cảng Hamburg thông minh cũng là một phần của hệ thống giao thông thông minh Hamburg. Với chiến lược phát triển cảng thông minh, chính quyền thành phố Hamburg đã xác định hai trụ cột chính: Năng lượng và logistics. Chương trình năng lượng cảng thông minh tập trung vào 3 lĩnh vực cốt lõi, đó là: các năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và sự di động. Để phát triển năng lượng tái tạo, chính quyền không chỉ xem xét việc phát triển năng lượng gió và mặt trời mà thậm chí cả năng lượng sinh khối. Nhà máy điện bên bờ biển là một dự án điển hình của chương trình năng lượng của cảng Hamburg, sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho các tàu chở khách. Chiến lược Logistics thông minh đưa ra các giải pháp thông minh giải quyết các vấn đề về lưu lượng giao thông và lưu lượng hàng hóa(10).
Kinh nghiệm của thành phố Tokyo (Nhật Bản) về môi trường thông minh
Chính quyền thành phố Tokyo đã đưa ra 5 chính sách chính gắn với phát triển môi trường thông minh. Một là, phát triển một thành phố năng lượng thông minh. Trong khu vực công nghiệp và thương mại, chính quyền thành phố Tokyo đã áp dụng Chương trình thương mại hóa lượng khí thải cắt giảm (Cap and trade) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và tòa nhà cao tầng giảm lượng khí thải. Yêu cầu các tòa nhà nhỏ và vừa thường xuyên báo cáo về cắt giảm khí thải CO2. Khuyến khích dân cư sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng hiệu quả và phát triển các hệ thống quản lý năng lượng giúp kiểm soát mức sử dụng điện năng. Trong giao thông, chính quyền khuyến khích các công ty sử dụng chế độ lái xe tiết kiệm nhiên liệu nhằm giảm khí thải và có hỗ trợ về tài chính cho các công ty phát triển các phương tiện giao thông ít khí thải, hiệu quả nhiên liệu cao. Chính quyền thành phố cũng giảm mức tiêu thụ năng lượng của các hoạt động logistics. Hai là, đẩy mạnh mô hình xử lý rác thải 3R và sử dụng tài nguyên bền vững. Chính quyền hỗ trợ các công ty xử lý rác thải hình thành được hệ thống xử lý rác thải phù hợp và thúc đẩy tái chế rác thải. Chính quyền khuyến khích giảm chất thải thực phẩm và giảm việc sử dụng các túi ni lông, thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu xây dựng và hàng hóa tích hợp thân thiện với môi trường và có lượng thải carbon thấp. Ba là, môi trường đô thị tích hợp với các dạng sống đa dạng trong thiên nhiên phong phú. Chính quyền thành phố thực hiện Chiến lược đa dạng sinh học thành phố với nhiều nỗ lực được thực hiện như trồng các loài bản địa, bảo vệ các loài quý hiếm và tăng nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Bốn là, đảm bảo môi trường không khí dễ chịu, chất lượng đất và vòng tuần hoàn nước. Chính quyền thiết lập các trạm quan trắc để giám sát chất lượng không khí, khuyến khích người dân và các công ty sử dụng các thiết bị phù hợp với quy định, tổ chức hội thảo tư vấn doanh nghiệp về ảnh hưởng của khí thải độc hại. Chính quyền Tokyo cũng chú ý tới việc giảm tiếng ồn trong thành phố, giảm phát thải chất hóa học và ngăn chặn ô nhiễm đất. Năm là, thúc đẩy các sáng kiến môi trường bao trùm và liên kết. Chính quyền thành phố tăng cường sự hợp tác của cư dân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận, thúc đẩy sự trao đổi với các thành phố trên thế giới(11).
Kinh nghiệm của thành phố Dubai (UAE) về cuộc sống thông minh
Dubai chính thức ra mắt kế hoạch “Smart Dubai” vào tháng 3 -2014, hướng tới xây dựng một thành phố thông minh có cuộc sống đáng sống và có tính thích ứng cao. Để thực hiện kế hoạch này, chính quyền Dubai đưa ra những hành động sau: Thứ nhất, tăng cường sự kết nối thông qua internet. Chính quyền Dubai đặt mục tiêu tăng cường sự kết nối internet nhanh hơn cho người dân cũng như các tổ chức. Chính quyền cũng hướng tới kết nối internet vào các nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng khác nhau của thành phố để nắm bắt thông tin theo thời gian thực. Thứ hai, cung cấp dịch vụ nhà thông minh. Nhà thông minh cung cấp cho người sử dụng
internet tốc độ cao, các thiết bị và các phần của tòa nhà luôn đặt dưới sự kiểm soát và có thể được điều khiển từ xa bởi chủ nhà. Thứ ba, các tòa nhà thông minh trong thành phố cũng hướng tới áp dụng công nghệ nhằm thân thiện hơn với môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả và tăng hiệu quả các dịch vụ. Thứ tư, chính quyền Dubai ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Chương trình Hồ sơ y tế điện tử và Hệ thống thông tin bệnh viện cho phép truy cập dễ dàng tới hồ sơ của bệnh nhân, đồng thời kết nối tất cả các phòng, ban và bộ phận của bệnh viện. Điều này sẽ loại bỏ công việc giấy tờ, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và cung cấp một kho dữ liệu bệnh nhân chính xác. Thứ năm, ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo an toàn công cộng. Chính quyền trang bị cho cảnh sát các ứng dụng để thực hiện các dịch vụ trực tuyến; trang bị Google Glass, một thiết bị kính cho phép hiển thị thông tin như trên smartphone để xác định những người đi đường có lệnh bắt giữ thông qua biển số của họ. Ngoài ra, chính quyền thành phố Dubai cũng thiết lập hệ thống dự báo nhằm thông tin kịp thời để chính quyền và người dân có thể ứng phó với những thay đổi thời tiết bất ngờ; nâng cao chất lượng giáo dục thông qua ứng dụng công nghệ thông tin(12).
Kinh nghiệm của Hong Kong (Trung Quốc) về cư dân thông minh
Với mục tiêu phát triển Hong Kong trở thành một thành phố thông minh tầm cỡ thế giới, chính quyền Hong Kong đã tập trung xây dựng trụ cột cư dân thông minh theo hai hướng chiến lược, đó là Nuôi dưỡng tài năng trẻ và Văn hóa đổi mới và doanh nghiệp. Trong chiến lược nuôi dưỡng tài năng trẻ, chính quyền Hong Kong đưa ra 5 sáng kiến. Một là, tăng cường giáo dục STEM cho bậc học từ tiểu học đến trung học. Hai là, cung cấp đào tạo công nghệ thông tin nâng cao cho học sinh trung học ngoài chương trình giảng dạy thông thường ở trường. Ba là, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển thông qua hợp tác với các tổ chức có tiếng khác từ Trung Quốc đại lục và quốc tế. Bốn là, khuyến khích các ngành công nghiệp thuê các cử nhân STEM cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thông qua chương trình trung tâm hậu tiến sĩ và chương trình thực tập nâng cao. Năm là, thực hiện kế hoạch tuyển dụng tài năng công nghệ từ Trung Quốc và nước ngoài. Về mục tiêu trong tương lai, Hong Kong sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích học sinh theo học giáo dục STEM, tiếp tục tìm kiếm các sáng kiến để phát triển một cộng đồng dân cư có khả năng thích ứng cao nhằm tận dụng được những thay đổi công nghệ và xây dựng một xã hội dựa trên tri thức để hỗ trợ sự phát triển tương lai của đổi mới và công nghệ(13).
4. Những gợi mở cho Việt Nam về phát triển thành phố thông minh
– Về chính quyền điện tử
Để xây dựng chính quyền điện tử, cần xây dựng kế hoạch rõ ràng với những giai đoạn phát triển cụ thể và xác định đúng trọng tâm trong xây dựng chính quyền điện tử. Cần tận dụng công nghệ để tăng cường sự kết nối với người dân thông qua các ứng dụng trực tuyến. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử từ Trung ương tới các địa phương, trong đó Trung ương phải đi đầu dẫn dắt các địa phương.
– Về kinh tế thông minh
Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thông minh, chính quyền đóng vai trò quan trọng là người tạo điều kiện và dẫn dắt quá trình chuyển đổi của nền kinh tế. Chính quyền phải là người gỡ bỏ những rào cản chính sách cho doanh nghiệp, tạo ra những cơ chế để kích thích những ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt là những hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất. Chính quyền phải đóng vai trò kết nối để các bên liên quan hợp tác với nhau, phát triển những sáng kiến đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Thúc đẩy khía cạnh kinh tế chia sẻ sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng các tài sản và nguồn lực trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tạo ra những sản phẩm mới có tính hữu ích cao và linh động hơn, giảm lượng rác thải và sử dụng bền vững tài nguyên. Du lịch cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng trong nền kinh tế thông minh, du lịch thông minh đem lại cho khách hàng một trải nghiệm mới khi thông tin dịch vụ du lịch được cung cấp phù hợp tới từng khách hàng.
– Về giao thông thông minh
Kinh nghiệm giao thông thông minh của Hamburg rất hữu ích với các thành phố Việt Nam, đặc biệt là các thành phố ven biển. Để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trước tiên cần xác định đúng mục tiêu và các phạm vi trọng tâm. Hai là, ứng dụng công nghệ để thu thập kiểm soát được tình hình giao thông trong thành phố để có sự điều tiết hợp lý. Ba là, người tham gia giao thông được chia sẻ thông tin để có sự lựa chọn di chuyển hiệu quả.
– Về môi trường thông minh
Sáng kiến thương mại hóa lượng khí thải (Cap and trade) giúp kích thích các doanh nghiệp giảm thải để thu được các lợi ích kinh tế. Vai trò của chính quyền thể hiện rất lớn trong việc thực hiện những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và tài chính đối với doanh nghiệp và người dân. Để giải quyết vấn đề môi trường, cần sự hợp tác của cư dân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận, cũng như sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố khác. Công nghệ thông tin và truyền thông cũng được áp dụng rộng rãi trong môi trường thông minh, giúp giám sát liên tục những thay đổi về chất lượng môi trường sống và xây dựng những phương án ứng phó kịp thời.
– Về cuộc sống thông minh
Cuộc sống thông minh phải hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao chất lượng các dịch vụ giáo dục, y tế và nhà ở… bằng cách áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Những căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh sẽ đem lại cho cư dân những trải nghiệm hoàn toàn mới. Dịch vụ giáo dục, y tế cũng sẽ được tiếp cận dễ dàng nhờ công nghệ, đem lại khả năng phục vụ tới mọi cư dân thành phố. Cư dân có thể nắm bắt được các thông tin như lượng tiêu thụ điện, thông tin sức khỏe… từ đó giúp họ có được sự chủ động trong cuộc sống. Để đảm bảo an toàn cho cư dân, thành phố thông minh phải có cơ chế phát hiện và ngăn ngừa các rủi ro và mối nguy hiểm tới cộng đồng.
– Về cư dân thông minh
Để phát triển trụ cột cư dân thông minh cần đẩy mạnh giáo dục STEM nhằm trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để có thể làm việc và phát triển trong môi trường công nghệ hiện đại. Cần tăng cường sự hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế để nhanh chóng khai thác những lợi thế và thành tựu về công nghệ của thế giới. Chính quyền cần tích cực ủng hộ sự phát triển của các doanh nghiệp và startup trẻ thông qua rất nhiều chính sách như hỗ trợ tài chính, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, thiết lập các vườn ươm khởi nghiệp; có chính sách thu hút nhân tài công nghệ. Ngoài ra, cần có chương trình đào tạo về đổi mới và ứng dụng công nghệ cho công chức; xây dựng các học viện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai của một thành phố thông minh.
TS Trần Quang Phú
Viện Kinh tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: Lý luận chính trị