Con người mất dần việc vào tay Robot – Cơ hội nào cho chúng ta ?
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới vào đầu năm 2016, đến năm 2030 chúng ta chỉ làm ba giờ mỗi ngày thay vì tám giờ mỗi ngày như hiện nay bởi đã có máy móc làm thay hầu hết công việc. Vì thế câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có phải chúng ta đang dần đối mặt với sự thật “không có việc làm” hay không? Đây chính là điều mà công nghệ đang phát triển và dần cách mạng hóa các công việc đang hiện hữu trên thế giới này.
Trong thời gian qua, cơn bão công nghệ mới nổi đã cảnh báo cho thế giới về rất nhiều điều, trong đó có nhiều mối nguy về không có việc làm. Trước kia chúng ta thường quen với khái niệm “thất nghiệp” (unemployment) nhưng trong thời gian ngắn sắp tới, tất cả phải dần quen với một khái niệm khác là “không có việc làm” (jobs disappear).
Thất nghiệp là những người có khả năng lao động, đang không có việc làm và đang đi tìm việc làm. Trước đây công việc được tạo ra rất nhiều, có chăng người ta thất nghiệp theo đúng định nghĩa trên. Và sau này, khi con người sẵn sàng làm việc thì thậm chí cũng không có việc để làm, vì phần lớn công việc đã được thay thế bằng máy móc, robot (hay tự động hóa), trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligent).
Việc trí tuệ nhân tạo đã đánh thắng được đại kiện tướng cờ vây trước 10 năm là một sự kiện đánh dấu cho việc robot dần tiệm cận và thông minh hơn con người. Và gần đây nhất, một con robot đã tự trốn ra khỏi phòng thí nghiệm xuất hiện trên các đường phố Nga cũng dần minh chứng cho việc này. Từ thế kỷ 20, robot đã dần thay thế con người trong các công việc chân tay đơn giản. Nay với những dữ kiện như trên, việc robot dần thay thế con người trong công việc sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Con người mất dần việc làm vào tay robot
Trước đây khi đi qua các nước ở xứ lạnh, trước khi bước chân vào siêu thị hay các địa điểm tham quan, mua sắm đều có các khu vực nhỏ để giữ đồ ấm cho khách. Mỗi điểm như thế thường có từ ba đến năm nhân viên phục vụ. Nhưng ngày nay, ở rất nhiều nơi tất cả những khâu này đã được tự động hóa một cách hoàn hảo: người sử dụng chỉ cần đến, bấm nút để nhận mã số, sẽ có móc áo chạy đến trước mặt và móc áo vào, sau đó bấm nút gửi áo và đi tham quan; lúc ra về chỉ cần đến quét mã vạch (barcode), móc áo sẽ tự động chạy đến trước mặt và người dùng chỉ việc nhận áo.
Ngoài ra còn vô vàn ví dụ mà trong các dịp ra nước ngoài nếu chịu khó quan sát chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được. Thử tưởng tượng các nhân viên phục vụ nhà hàng sẽ không còn việc làm nếu mô hình nhà hàng tự động không người phục vụ Eatsa được phổ cập trên thế giới. Nhân viên trực tổng đài taxi sẽ không có việc làm khi Uber hoặc Grab được nhân rộng. Tài xế lái xe sẽ không còn việc làm khi những xe điện tự lái ra đời.
Thầy giáo truyền thống sẽ không cần lên lớp khi các nền tảng học trực tuyến được nhân rộng. Hàng ngàn việc làm tại các doanh nghiệp liên quan đến xăng dầu sẽ không còn việc làm nếu pin và năng lượng điện được nhân rộng.
Mới đây nhất, không ít kỹ sư ở các hãng ô tô truyền thống đã cảm thấy run sợ nếu xe điện Tesla được sản xuất thành công và nhân rộng. Các nhân viên thu tiền điện, nước, thuế, điện thoại, giao thư, giao báo, làm báo giấy… sẽ không còn việc làm khi các mô hình này được áp dụng công nghệ và tự động hóa. Việc lưu trữ hồ sơ điện tử đã dần trở nên phổ biến làm cho các văn phòng ngày càng trở nên nhỏ gọn, vì thế công việc hành chính văn thư lưu trữ cũng dần biến mất. Các luật sư cũng từ từ thất nghiệp khi hệ thống tra cứu và giải đáp luật trực tuyến hình thành thành công, khi đó sẽ có công cụ tự động tìm qua tất cả các bộ luật để có câu trả lời chính xác nhất cho thân chủ. Các kỹ sư và công nhân xây dựng sẽ không còn việc làm do các robot thợ xây và máy in 3D thay thế. Các siêu máy tính, các máy tính siêu nhỏ, các cảm biến siêu nhỏ, năng lượng mặt trời sẽ biến đổi cách mà các máy móc đang hoạt động… Vẫn còn nhiều, rất nhiều các ví dụ để minh chứng cho điều này.
Các tác động thực tế vào mô hình kinh doanh
Thực ra công nghệ đã và đang tác động vào cách chúng ta đang sống và kinh doanh. Ngày nay việc kinh doanh đã không còn các rào cản biên giới hay giới hạn về thời gian, vì hầu hết đã được giải quyết bằng Internet, di động và điện toán đám mây. Máy móc dần hiểu con người hơn thông qua big data (dữ liệu lớn), năng lượng, công nghệ xử lý. Các mô hình kinh doanh đã dần thay đổi thông qua nền kinh tế chia sẻ (Uber, Grab, Airbnb). Công nghệ giải trí ảo ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã dần chiếm lấy việc làm của rất nhiều nghệ sĩ trong các quốc gia này. Trong các năm tới, các năng lượng sạch ra đời, IOT (Internet of Things), máy in 3D ngày càng rẻ và nhanh hơn, sự phát triển của công nghệ sinh học… sẽ làm thay đổi diện mạo và tác động mạnh mẽ vào mô hình kinh doanh mà chúng ta đang thực hiện. Tại Amazon, đã có những cuộc thi giữa con người và robot trong việc quản lý và vận hành kho, và cuối cùng là con người đã thất bại trong vòng hai mươi phút chạy đua. Robot không những làm chính xác, tự động nạp năng lượng, báo cáo cập nhật liên tục (real time) mà nó còn không bị chi phối bởi cảm xúc như con người. Đây là một lợi thế cực lớn mà robot mang lại cho các doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, tác động của “cơn bão” này chắc chắn sẽ không hề nhỏ. Cụ thể ở các nhà máy sản xuất, robot đã tự động hóa các thao tác thông thường của công nhân để tạo nên năng suất cao hơn, chất lượng ổn định, sản phẩm đồng bộ hóa và dễ dàng quản lý.
Thực tế cho thấy việc quản lý con người ngày càng trở nên phức tạp, rất nhiều doanh nghiệp phải gặp khó khăn khi không thể quản lý được con người, đặc biệt là tâm tính của người lao động thay đổi theo thời gian.
Do đó các doanh nghiệp sẽ dần thay thế con người bằng các bộ máy tự động hóa, và chuyển việc quản lý con người sang quản lý máy móc thiết bị để tránh bị tình trạng “mưa nắng thất thường” trong bối cảnh nhu cầu kinh doanh ngày càng đòi hỏi sự ổn định để có thể tồn tại và duy trì sự phát triển bền vững. Làm việc với con người nhiều khi bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý, văn hóa, tình cảm, độ trung thành… làm cho các chủ doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi và áp lực, do đó các doanh nghiệp mong muốn giảm gánh nặng này xuống càng nhiều càng tốt. Có một số doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam vì yêu cầu đặc thù sản phẩm đã tập trung công sức đào tạo nghề cho người lao động, đến lúc tay nghề vững vàng họ lại ra đi, để lại một lỗ hổng lớn cho doanh nghiệp, mà hơn hết là niềm tin ngày càng cạn kiệt, trong tình huống đó chủ doanh nghiệp thường nghĩ đến việc trang bị hệ thống tự động hóa để không phải đối mặt với các tình huống tương tự.
Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được rằng tập trung đầu tư vào công nghệ – tự động hóa hay ứng dụng – để biết chắc kết quả mang lại còn tốt hơn là đầu tư vào con người mang đầy tính “may rủi” trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài [PESTLE – chính trị (political), kinh tế (economics), xã hội (social), công nghệ (technology), luật pháp (legal), môi trường (environment)] đang biến động không ngừng.
Cơ hội nào cho chúng ta
Có rất nhiều người đang cảm thấy sợ hãi về những điều nêu trên, nhưng thực tế cho thấy chúng ta không thể đi ngược lại “cơn bão” công nghệ, mà phải đi cùng với nó, thậm chí phải đối mặt thay vì né tránh. Cách tốt nhất là phải sẵn sàng và liên tục thay đổi, đáp ứng, thích nghi, học hỏi liên tục để tồn tại. Bên cạnh đó, chúng ta phải tập trung vào các công việc mang hàm lượng chất xám, trí tuệ và sáng tạo cao nhất để có thể cạnh tranh được.
Trong vòng năm năm tới, rất nhiều kỹ năng hiện đang được đánh giá cao sẽ không còn được trọng dụng nữa, thay vào đó chúng ta dần phải rèn luyện để tạo thành các kỹ năng để gia tăng khả năng sống sót trong cơn bão công nghệ đó là tư duy độc lập, giải quyết vấn đề phức tạp, đánh giá và ra quyết định, đổi mới sáng tạo, quản lý con người, thông minh cảm xúc (EQ), thương lượng, dịch vụ. Các công việc lặp đi lặp lại (routine works) sẽ dần được thay thế, tự động hóa và biến mất.
Giải pháp tối ưu là chúng ta nên gia tăng đầu tư vào giáo dục và học hỏi các kỹ năng mới càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Chỉ có việc thuần thục những kỹ năng trong thời đại mới, cùng với việc doanh nghiệp tích cực thay đổi và ứng dụng công nghệ, phải tự động thay đổi trước khi bị áp buộc phải thay đổi thì mới mong thành công và tồn tại. Sáng tạo đổi mới tổ chức, thay đổi tư duy về mô hình kinh doanh và phương thức hợp tác, thay đổi nhu cầu và hiểu rõ hơn về hành vi người dùng, đặc biệt là kết nối người dùng lại với nhau. Các mô hình kinh doanh mới cần phải nghiên cứu sâu hơn về cách thức kết hợp lao động và vốn để tạo ra lợi nhuận.
Về vĩ mô, nhà nước cần thay đổi để khuyến khích các mô hình kinh doanh này được ra đời một cách dễ dàng và nhanh chóng nhằm đạt được thành công. Tốc độ và thấu hiểu địa phương chính là hai nhân tố chính quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong thời kỳ này.
Thegioibantin.com
Tác giả:
TS. Ngô Công Trường
Chủ tịch Công ty Tư vấn và Giáo dục John&Partners