Tâm trạng buổi sáng quyết định năng suất làm việc của nhân viên
Những nhân viên mang tâm trạng buổi sáng vui vẻ đến nơi làm việc thường hoàn thành công việc hôm đó hiệu quả nhất. Ngược lại, đa số những nhân viên có tâm trạng bực dọc, khó chịu vào đầu ngày, thì đến cuối ngày, tâm trạng sẽ trở nên tệ hơn nhiều lần. Là sếp, làm cách nào để bạn vẫn có thể trở thành người cứu vãn tâm trạng buổi sáng tồi tệ của nhân viên và bảo toàn năng suất làm việc của họ?
Là một nhà quản trị hay nhân sự, liệu bạn đã từng tự hỏi những gì đang diễn ra với nhân viên của bạn mỗi ngày ngay trước khi họ vào đến công ty?
Thỉnh thoảng, họ thức dậy trong khi đầu thì lọt hẳn xuống giường, chân nhét hẳn vào cái ra gối, chẳng còn chút sức để rời khỏi giường, và đôi khi bạn cũng vậy. Đôi khi, họ thức giấc với tâm trạng hào hứng, nhào ra đường ăn sáng, đi làm nhưng rồi lại va ngay phải đám kẹt xe trên đường hay quẹt phải chú xe ba gác đầu đường rồi đôi lời qua tiếng lại, thế là hỏng cả tâm trạng, và lắm lúc bạn cũng thế!
Là một nhà quản trị hay nhân sự, bạn đã từng nghĩ những chuyện vốn con con như thế nhưng lại ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm trạng và năng suất làm việc của nhân viên trong suốt ngày hôm đó, thậm chí cả hôm sau.
Trong một nghiên cứu của Nancy P. Rothbard, giáo sưtại trường Đại học Pennsylvania cùng cộng sự Steffaie Wilk, giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Ohio State, họnhận ra rằng tâm trạng của một người đi làm vào buổi sáng có thể để lại ảnh hưởng lâu hơn chúng ta nghĩ, cũng sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến năng suất làm việc trong một ngày.
Trong nghiên cứu trên, Nancy và Steffaie đã thực hiện một cuộc khảo sát với các nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại tại một công ty bảo hiểm trong vòng nhiều tuần liên tiếp. Họ theo dõi tâm trạng của những người này vào đầu mỗi ngày làm việc, từ đó quan sát cách họ làm việc với khách hàng trong suốt hôm đó và trạng thái của họ sau khi hết giờ làm việc.
Ngoài ra, Nancy cũng sử dụng công cụ đo lường hiệu quả làm việc của công ty này để tìm ra mối liên hệ giữa tâm trạng của nhân viên và năng suất làm việc của họ.
Nghiên cứu cho thấy nhóm nhân viên này có những tâm trạng khác nhau và thay đổi liên tục mỗi ngày. Những ai bắt đầu một ngày với tâm trạng vui vẻ và hào hứng thường có chiều hướng duy trì được tâm trạng này suốt cả ngày làm việc, hơn thế nữa, việc tương tác với khách hàng sẽ là điều giúp cho họ cảm thấy phấn khởi hơn. Ngược lại, đa số những nhân viên có tâm trạng bực dọc, khó chịu vào đầu ngày, thì đến cuối ngày, tâm trạng sẽ trở nên tệ hơn gấp nhiều lần, mặc dù họ có tiếp xúc với những vị khách hàng tử tế và dễ chịu đi chăng nữa.
Cụ thể, những người mang tâm trạng tốt khi đối thoại với khách hàng sẽ không dùng nhiều những cụm từ lấp lửng, hay nói chuyện vấp váp, thay vào đó là những cụm từ rõ ràng hơn. Trái lại, những nhân viên đang không cảm thấy vui vẻ thường sẽ có xu hướng tìm kiếm “cơ hội nghỉ giải lao” nhiều hơn để chống chọi với cơn stress và bực dọc của bản thân trong suốt ngày hôm đó.
Một trong những điểm thú vị và đáng ngạc nhiên là một số nhân viên tuy có tâm trạng cực kì tồi tệ vào đầu ngày khi khi tiếp xúc với khách hàng cũng đang mang tâm trạng tương tự thì bỗng trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn trông thấy! Có lẽ khi nhìn từ góc độ của người khách hàng đang “khổ sở” kia thì người nhân viên này bắt đầu nhận ra rằng “À, thì ra cuộc sống của mình không đến mức quá tồi tệ!”
Vậy làm thế nào để bạn có thể “tiếp” năng lượng và gia tăng năng suất làm việc của nhân viên?
Mặc dù điều này không hề dễ dàng, thế nhưng người quản lý hoàn toàn có thể giúp nhân viên của mình “F5” lại tinh thần sau chuỗi tâm trạng tồi tệ đầu ngày. Chẳng hạn như gửi đến họ một email ngắn mang tính chất động viên tinh thần, hoặc cũng có thể tập trung nhân viên của mình lại trước giờ làm, khơi gợi những cuộc nói chuyện thoải mái, vui vẻ và hài hước giúp truyền tải năng lượng tích cực đến họ.
Ngoài ra, khen ngợi và công nhận đóng góp của nhân viên cũng là một cách rất hữu hiệu để nhân viên trở nên vui vẻ hơn trong giờ làm. Hãy cho nhân viên của bạn có khoảng thời gian riêng tư khi bắt đầu ngày làm việc, vì đôi lúc họ cần không gian và thời gian đủ để lấy lại tinh thần. Là một nhà quản lí hay nhân sự, bạn cũng nên cân nhắc khi gửi đến nhân viên của mình một email dài “vô tận” vào đêm khuya hay cuối tuần, điều này sẽ gây căng thẳng cho họ khi bắt đầu công việc vào sáng sớm hôm sau. Nếu nhân viên đi trễ một vài phút, bạn cũng không nên la mắng ngay khi nhìn thấy họ, hãy dành một ít thời gian vào giờ trưa để hỏi lý do cũng không quá muộn mà, phải không?
Từ khía cạnh của nhân viên, chắc chắn họ cũng sẽ cố gắng rũ bỏ hết năng lượng tiêu cực trước khi đến công ty bằng cách này hay cách khác. Hãy kể họ nghe câu chuyện của chính bạn chẳng hạn. Ví dụ, bạn có thể cho họ những gợi ý như chọn đi một con đường khác, dừng lại làm một ly cà phê hoặc nghe một bài hát sôi động mà họ thích trên đường đi làm. Cuối cùng, HR Insider chúc bạn và nhân viên của mình luôn có được tâm trang và cách cân bằng nó thật tốt trước mỗi ngày làm việc, từ đó thúc đẩy được năng suất làm việc của công ty.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: hrinsider.vietnamworks.com