Không hoàn thành công việc, cấp trên có quyền đuổi việc nhân viên?
Việc người lao động (NLĐ) tuân thủ và làm theo các chỉ tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong thời hạn nhất định là cực kì quan trọng nhằm giúp công ty, doanh nghiệp vận hành một cách hiệu quả và tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải dùng những tiêu chí đánh giá nào để kết luận một NLĐ có hoàn thành công việc được giao hay không? Và hơn hết, những tiêu chí này cần được áp dụng như thế nào để đảm bảo NLĐ không cảm thấy “oan ức” hay ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung của công ty?
Tình huống: Anh X vốn là nhân viên văn phòng của công ty Y. Vào ngày 19/6/2019, anh nhận được thông báo cho nghỉ việc của giám đốc công ty với lí do thường xuyên không hoàn thành các công việc được giao. Trong thông báo, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)của anh là vào ngày 20/7/2019. Anh thắc mắc liệu công ty Y chấm dứt HĐLĐ với anh như vậy là có đúng pháp luật hay không?
Để giải quyết tình huống này, HR Insider kết hợp cùng VNHR – Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam, tham khảo thông tin từ quyển sách “Các Câu Hỏi Thường Gặp Trong Pháp Luật Lao Động” – tổng hợp gần 200 câu hỏi có liên quan đến luật lao động Việt Nam được VNHR và Công ty luật Phuoc & Partners đồng xuất bản.
Theo đó, để hiểu rõ tình huống của anh X, người làm nhân sự phải nắm được hai vấn đề được nêu ra dưới đây:
1. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ hay không?
Trừ những trường hợp trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, NLĐ có nghĩa vụ phải hoàn thành những nhiệm vụ được NSDLĐ giao tùy theo thỏa thuận cụ thể giữa NSDLĐ và NLĐ ghi nhận tại HĐLĐ. Vì vậy, khi NLĐ không đáp ứng theo đúng yêu cầu được giao, theo quy định tại Điều 38.1(a) Bộ Luật lao động 2012:
“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;”
Như vậy, trong trường hợp phát hiện người lao động có biểu hiện thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ thì công ty có thể xem xét để đơn phương chấm dứt hợp đồng với NLĐ. Tuy nhiên, việc xác định như thế nào là thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ cần được công ty thực hiện một cách cẩn trọng và tuân theo quy định của pháp luật liên quan như được đề cập chi tiết tại Mục 2 bên dưới. Ngoài ra, cần lưu ý thêm là khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, công ty phải tuân thủ thời gian báo trước 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn; 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn; với người lao động trong thời gian thử việc không đạt yêu cầu thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
2. NSDLĐ cần có tiêu chí đánh giá như thế nào mới là khách quan và đúng pháp luật?
Hiện tại, để xác định NLĐ có thường xuyên hoàn thành công việc được giao theo HĐLĐ hay không, pháp luật lao động không có bất kỳ quy định nào về thời điểm hoặc chu kỳ mà NSDLĐ phải đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, tuy nhiên, khoản 1 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP có quy định:
“Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.
Như vậy, công ty không thể tùy tiện chấm dứt HĐLĐ của NLĐ mà phải căn cứ theo các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ được quy định cụ thể trong quy chế của doanh nghiệp để có quyết định.
Cuối cùng, để có thể có một bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc khách quan và chặt chẽ cho công ty, NSDLĐ cần:
- Thể hiện rõ “công việc”, hay “công việc phải làm” được quy định trong hợp đồng, thiết lập thêm một bản Phụ lục của HĐLĐ, có tên gọi là “Bản mô tả công việc” đính kèm với HĐLĐ.
- Cụ thể tiêu chí hay mức đánh giá hoàn thành công việc phải theo thời hạn tuần, tháng hay quý; việc đánh giá kết quả thực hiện công việc của NLĐ cũng phải được quy chiếu định kỳ theo các thời điểm tương ứng đó.
- Cần ban hành Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ một cách công khai, minh bạch, hợp quy chuẩn vì đây sẽ là thước đo giúp cả hai bên thống nhất và giải quyết rõ ràng hơn khi có vấn đề xảy ra. Bên cạnh đó, trước khi Quy chế này được ban hành ra thì phải có ý kiến của NLĐ hay người đại diện của tập thể của NLĐ, và cần được thể hiện trong Thỏa ước lao động tập thể của Công ty.
KẾT LUẬN:
Với trường hợp của anh X, nếu công ty Y chứng minh được anh không hoàn thành công việc được giao theo như thỏa thuận tại HĐLĐ và Quy chế của công ty Y (phù hợp với các nội dung đã nêu trên), thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của công ty Y là phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp công ty Y không chứng minh được anh X thường xuyên không hoàn thành công việc theo thỏa thuận tại HĐLĐ và Quy chế của công ty Y, thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của công ty có thể được xem là trái pháp luật và phải thực hiện các nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như phải nhận anh X trở lại làm việc, trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thiếu trong những ngày anh X không được làm việc và bồi thường cho anh X 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Hy vọng phần giải đáp trên đã giúp người đọc trang bị được những kiến thức pháp luật cơ bản cần thiết liên quan đến vấn đề có hay không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vẫn còn rất nhiều bài chia sẻ sẽ được giới thiệu trong thời gian sắp tới, dưới sự phối hợp biên soạn của HR Insider và VNHR. Bạn đừng quên đón đọc những bài viết này trên HR Insider nhé!
GIỚI THIỆU VỀ CUỐN SÁCH “CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP TRONG PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG” VÀ TÁC GIẢ:
VNHR và Công ty luật Phuoc & Partners lần đầu tiên hợp tác đồng xuất bản quyển sách liên quan đến pháp luật lao động mang tên “Các Câu Hỏi Thường Gặp Trong Pháp Luật Lao Động” của tác giả Luật sư Nguyễn Hữu Phước. Đây là tập hợp gần 200 câu hỏi có liên quan đến luật lao động Việt Nam. Các câu hỏi được chọn lọc và đưa vào cuốn sách này chủ yếu là những câu hỏi rất thường gặp trong công việc nhân sự tại doanh nghiệp nhưng lại khó tìm được câu trả lời đúng và phù hợp.
Tác giả Luật sư Nguyễn Hữu Phước:
— Có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật lao động cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước
— Hiện tại là Luật sư sáng lập công ty Luật Phuoc & Partners, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR), thành viên Đoàn Luật sư TPHCM và là thành viên Ban Chấp hành Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL)
— Sở hữu bằng thạc sĩ Luật Thương mại quốc tế tại Đại học Luật Bristol (UWE)
ƯU ĐÃI DÀNH RIÊNG CHO BẠN ĐỌC HR INSIDER:Hiện tại khi đăng ký qua HR Insider, bạn hoàn toàn có cơ hội sở hữu cuốn sách “Các Câu Hỏi Thường Gặp Trong Pháp Luật Lao Động” do VNHR xuất bản với ưu đãi giảm 30% dành riêng cho bạn đọc HR Insider, Mời bạn nhanh tay đăng ký tại nút dưới đây: |
— HR Insider / Theo VNHR —
Xem thêm nhiều việc làm hấp dẫn ngành Nhân Sự tại www.vietnamworks.com
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://www.vietnamworks.com/hrinsider/kt_chuyen_nganh/khong-hoan-thanh-cong-viec-cap-tren-co-quyen-duoi-viec-nhan-vien